Thị trường sản xuất ô tô tăng sức ép cạnh tranh

Thị trường sản xuất ô tô tăng sức ép cạnh tranh
9 giờ trướcBài gốc
Thị trường ô tô Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng
Nhân tố mới
Ngày 12/5/2025, Geleximco đã khởi công dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú (Thái Bình), trong đó dự án lõi mang tính động lực của khu công nghiệp này là nhà máy sản xuất ô tô, các dòng xe cao cấp thuộc thương hiệu Omoda & Jaecoo. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2026, nhà máy sẽ bắt đầu lắp ráp các dòng xe năng lượng mới (NEV) thuộc thương hiệu chiến lược Omoda & Jaecoo, với định hướng sản xuất lâu dài tại Việt Nam.
Trước đó, Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã ký kết hợp đồng liên doanh tại Việt Nam, cùng xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Hưng Phú, công suất 200.000 xe mỗi năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD (khoảng gần 20.000 tỷ đồng).
Tasco đã công bố nhà máy liên doanh của Tasco Auto và Geely sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Bình, xuất xưởng mẫu xe đầu tiên vào đầu năm 2026. Những chiếc xe sản xuất đầu tiên sẽ thuộc thương hiệu Lynk & Co, tiếp theo là các mẫu xe Geely. Sau đó, liên doanh sẽ lắp ráp các dòng xe của Lynk & Co và Geely Auto, có thể mở rộng lắp ráp các xe thuộc thương hiệu khác trong tương lai.
Theo kế hoạch, nhà máy liên doanh dưới dạng CKD (lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu) trên diện tích đất 30 ha, nhà máy trên có công suất thiết kế 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư khoảng 168 triệu USD (hơn 4.100 tỷ đồng). Hiện Tasco đang hoàn thiện thủ tục để có thể sớm khởi công xây dựng nhà máy.
Thị trường ô tô Việt Nam đang có không ít tên tuổi lớn tham gia sản xuất, phát triển ô tô như Thaco, Vinfast, TC Motor, các liên danh sản xuất xe đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… Xét về quy mô, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 400.000 - 500.000 ô tô được tiêu thụ, dung lượng thị trường chưa đủ lớn, trong khi kế hoạch sản xuất của riêng nhà máy liên danh giữa Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo đã lên tới 200.000 xe/năm, con số này của liên danh Tasco và Geely là 75.000 xe/năm.
Dự báo, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối đầu với cuộc chiến về giá và dài hạn hơn là cuộc cạnh tranh về tiện nghi, hậu mãi, thiết kế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng gia tăng, nên việc các hãng đầu tư phát triển nhà máy là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
“Họ được cấp phép đầy đủ và xin gia nhập VAMA, chúng tôi rất hoan nghênh. Thời gian tới, tiếng nói của nhà sản xuất mới sẽ góp phần phát triển thị trường”, ông Quyết nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Whatcar, chuyên gia ngành ô tô phân tích, nếu như một thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu vào Việt Nam với tư cách là nhà phân phối không khó, thì thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam vẫn gặp phải rào cản tâm lý của người tiêu dùng. Do đó, việc các hãng ô tô Trung Quốc liên kết với doanh nghiệp tại Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp là phù hợp, có thể sẽ ghi dấu ấn phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Họ không chỉ phục vụ thị trường nội địa Việt Nam, mà có thể hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khác.
Tại Trung Quốc, mặc dù doanh số đạt hơn 30 triệu xe/năm, nhưng có nhiều thương hiệu mới ra đời, chính sách nhà nước tập trung cho phát triển xe năng lượng mới, nên xe truyền thống đang dư công suất và sản lượng, trong khi nhu cầu về xe này ở các nước Đông Nam Á vẫn khả quan. Vì vậy, các hãng muốn đặt nhà máy ở khu vực Đông Nam Á và họ chọn Việt Nam, nơi có môi trường đầu tư tiềm năng, chính trị ổn định, triển vọng tích cực. Đó là lời giải cho sự xuất hiện của những liên danh ô tô Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Triển vọng thị trường
Thị trường ô tô Việt Nam sẽ thay đổi ra sao khi các nhà máy ô tô do liên danh Tasco, Geleximco có sản phẩm ra mắt?
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, VAMA cho rằng: “Trong tương lai, thị trường ô tô Việt Nam sôi động hơn, khách hàng sẽ được hưởng lợi, có thêm lựa chọn, cuộc cạnh tranh mang lại sản phẩm đa dạng, hợp lý, đi đúng với quy luật cung cầu”.
“Khi các nhà máy liên doanh Trung Quốc bắt đầu ra sản phẩm, thị trường xe ở Việt Nam sẽ có nhiều biến động”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, chuyên gia ô tô nói và dự báo, thị trường ô tô sẽ có sự thay đổi lớn về sản phẩm, chiến lược của nhóm thương hiệu cũ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối đầu với “cuộc chiến” về giá và dài hạn hơn là cuộc cạnh tranh về tiện nghi, hậu mãi, thiết kế - các yếu tố chính mang lại sự phát triển bền vững. Nếu như cuộc chiến về giá diễn ra ban đầu để doanh nghiệp giành được thị phần, thì cuộc cạnh tranh về chính sách hậu mãi sẽ giữ chân khách hàng.
“Thị trường sẽ phát triển sôi động hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi - đây là yếu tố được kỳ vọng, bởi hàng chục năm qua, khách hàng phải chịu giá bán ô tô không sát với giá trị thực. Doanh nghiệp ô tô đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải thay đổi, vì khó có thể duy trì vị thế thống lĩnh”, ông Thắng nhận định.
Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam liệu có ghi được dấu ấn mới? Về vấn đề này, vị chuyên gia ô tô cho rằng, các liên danh mới đang dừng ở việc nhập linh kiện và lắp ráp, sản xuất, chưa có thông tin họ sẽ mang nhà máy trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tiến hành chuỗi cung ứng riêng gồm Vinfast, TC Motor và Thaco. Với các doanh nghiệp khác như Toyota, chuỗi cung ứng riêng có tỷ lệ chưa cao. Kỳ vọng, trong tương lai, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam sẽ có bước tiến mới.
Hải Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-san-xuat-o-to-tang-suc-ep-canh-tranh-post369512.html