Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Cách nhìn nhận này có vẻ đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng có thể sẽ trở thành một vấn đề trong thời gian không xa - theo tờ Wall Street Journal.
Hôm thứ Bảy vừa rồi, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% lên Canada và Mexico, cùng thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Nhà đầu tư trên thị trường tài chính đã phản ứng bằng cách bán mạnh các tài sản rủi ro, nhưng mức độ bán tháo không nghiêm trọng quá mức. Sau đó, khi Mỹ, Mexico và Canada tuyên bố rằng kế hoạch áp thuế quan của ông Trump được hoãn 1 tháng để nhường chỗ cho đàm phán, thị trường bắt đầu hồi phục. Giá cổ phiếu của nhiều công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan đã gần như quay trở lại mức ban đầu. Đồng đôla Canada và peso Mexico bật tăng trở lại, và chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ về cơ bản đã trở lại mức chốt của tuần trước.
RỦI RO TỪ SỰ LẠC QUAN
Những diễn biến này là một sự “phê chuẩn” cho những người có quan điểm lạc quan ở Phố Wall. Họ định rằng những lời đe dọa thuế quan nhằm vào các quốc gia ngoài Trung Quốc chẳng qua chỉ là chiến thuật đàm phán để khiến các nước đó phải nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề nhập cư trái phép và buôn lậu chất cấm.
Đây là luồng quan điểm chính trên thị trường tài chính hiện nay, thể hiện qua việc đồng peso Mexico gần như không mất giá so với đồng tiền ngang cấp nếu tính từ sau bầu cử ở Mỹ, hay chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu đã tăng 5,6% từ đầu năm đến nay dù ông Trump đã hé lộ ý định áp thuế quan lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).
Phong cách đàm phán của ông Trump đề cao việc thể hiện sức mạnh ngay từ đầu. Cuối tháng 1 vừa rồi, Colombia chấp nhận việc Mỹ trả lại công dân nước này là người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị trục xuất, để đổi lại việc không bị ông Trump không áp thuế quan và các biện pháp trừng phạt kinh tế. Điều tương tự cũng có thể diễn ra với Canada và Mexico, nhưng có thể sẽ nguy hiểm nếu tin rằng câu chuyện như vậy sẽ luôn lặp lại.
Rõ ràng, các chính sách bảo hộ của ông Trump trong nhiệm kỳ này cực đoan hơn đáng kể so với những gì mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi đó, ông tập trung vào các các vấn đề thương mại không công bằng và an ninh quốc gia, với thuế quan chủ yếu đánh vào Trung Quốc và phần lớn chỉ áp dụng đối với các hàng hóa và ngành công nghiệp cụ thể như thép, nhôm và thiết bị gia dụng. Thuế quan 1.0 cũng được triển khai dần dần, giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Đúng là sản lượng của hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu đã đương đầu với áp lực giảm trong năm 2019, nhưng có tăng nhẹ trong năm 2018 khi các công ty dự trữ hàng tồn kho.
Lần này, nếu các quốc gia bị ông Trump áp thuế quan từ chối nhượng bộ, mức thuế suất hiệu dụng của của thuế quan Mỹ có thể đột nhiên tăng lên mức cao nhất kể từ cuối những năm 1930. Ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước và đẩy lạm phát tăng, sự gia tăng đột biến này của thuế quan có thể phá hỏng mạng lưới các chuỗi cung ứng phức tạp - mà như đại dịch đã cho thấy có thể dẫn tới những tác động khó lường.
Tệ hơn nữa, khả năng điều này xảy ra dường như cao hơn trước, vì lần này, thuế quan của ông Trump còn nhắm vào những đồng minh lâu năm của Mỹ thay vì chỉ hướng mục tiêu đến những nước như Trung Quốc. Tại những quốc gia như vậy, các nhà lãnh đạo có thể sẽ phải đối mặt với sức ép khó đoán định từ phía công chúng trong việc ứng phó với mối đe dọa từ ông Trump.
Như Canada là một ví dụ. Quốc gia này - mặc dù đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chính trị - đã phản ứng với mối đe dọa thuế quan bằng sự đoàn kết mới trên toàn bộ chính trường, từ đảng trung tả của Thủ tướng Justin Trudeau đến những nhân vật cánh hữu trước đây được coi là thân cận với quan điểm của Trump, chẳng hạn như Thủ hiến Ontario Doug Ford. Ông Ford đã cam kết loại bỏ rượu do Mỹ sản xuất khỏi các kệ hàng ở bang này và hủy bỏ hợp đồng internet tốc độ cao đã ký với công ty Starlink của tỷ phú Elon Musk, một nhân vật đang rất thân thiết với ông Trump.
“THUẾ QUAN TRÊN HẾT” LÀ ĐIỀU ĐÁNG LO NGẠI
Bất kể kết quả chính sách cuối cùng ra sao, các nhà sản xuất Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội kéo dài từ người tiêu dùng ở các quốc gia bị ảnh hưởng. Hơn nữa, kinh nghiệm của nước Anh thời hậu Brexit cũng cho thấy tình trạng bấp bênh của những gián đoạn trở đi trở lại, và các cuộc đàm phán kéo dài, sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào trạng thái phòng thủ và cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thực ra, thuế quan có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Khác với những gì thường được nói đến trong sách giáo khoa, điều này có thể xảy ra: Dịch chuyển về nước việc sản xuất các mặt hàng thương mại phức tạp có thể giúp tăng năng suất trong nước, nếu được thực hiện có chọn lọc song song với sự hỗ trợ của chính phủ cho các công ty có định hướng xuất khẩu.
Nhiều nghiên cứu kinh tế cho thấy loại chiến lược “xúc tiến xuất khẩu” này có thể thành công, giống như chiến lược được các quốc gia châu Á đang phát triển áp dụng trong thế kỷ 20. Chẳng hạn, thuế quan có thể được sử dụng để tạo lợi thế cho xe điện do Mỹ sản xuất trước các đối thủ cạnh tranh có giá rẻ hơn, tương tự như cách Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp xe điện của nước này ban đầu. Nhưng các nhà kinh tế đều nhất trí rằng việc bảo vệ hoàn toàn các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh, như các nước Mỹ Latin đã làm trong những năm 1950 và 1960, sẽ không mang lại tác dụng.
Chủ trương áp thuế quan trên diện rộng mới của ông Trump không có mục tiêu kinh tế cụ thể nào, mà dường như được thiết kế chỉ để gây sốc. Với trường hợp Canada, nếu không tính các mặt hàng năng lượng, nước này mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn là bán bán cho Mỹ, bao gồm cả ô tô. Các thuế quan khác do ông Trump đề xuất, như thuế quan áp lên hàng hóa trung gian gồm chất bán dẫn, có thể còn gây thiệt hại lớn hơn cho nền sản xuất công nghiệp của Mỹ.
Nếu thị trường tài chính Mỹ thờ ơ với thuế quan, khả năng chính quyền ông Trump phạm sai lầm sẽ tăng lên, bởi ông sẽ tự tin rằng thị trường đang phát tín hiệu cho thấy hậu quả sẽ không đến mức tồi tệ. Với chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức hệ số giá cổ phiếu/lợi nhuận dự phóng (P/E) lên tới 22 lần, sự dịch chuyển từ “nước Mỹ trên hết” sang “thuế quan trên hết” là một điều rất đáng lo ngại - bài báo của Wall Street Journal kết luận.
An Huy