Nhìn lại cách đây hơn 2 năm, trong phiên giao dịch 25/11/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đỉnh lịch sử khi VN-Index đóng cửa ở mức 1.500,81 điểm. Tiếp đó, ngày 6/1/2022, VN-Index lần đầu đạt 1.528,57 điểm, mức cao nhất mà chỉ số này từng chạm đến cho tới nay. Vốn hóa HOSE thời điểm này đạt xấp xỉ 6 triệu tỷ đồng, giá trị toàn sàn chứng khoán lên đến gần 8 triệu tỷ đồng.
Từ đỉnh cao, VN-Index rơi xuống đáy 3 năm chỉ sau chưa đầy 7 tháng và hiện tại giao dịch quanh mốc 1.200 điểm, tương ứng giảm gần 20% so với đỉnh. Trong phiên giao dịch ngày 4/12/2024, VN-Index tiếp tục chìm trong sắc đỏ, thanh khoản suy giảm.
Với diễn biến này của thị trường, không ít nhà đầu tư cá nhân vẫn đang “xa bờ” nếu tham gia ngay đỉnh. Tuy nhiên, các quỹ cổ phiếu đã vượt qua được nỗi đau này, thậm chí vượt đỉnh cũ.
Theo số liệu của Vietstock Finance, danh mục của các quỹ cũng chịu tác động lớn khi VN-Index liên tục giảm điểm từ vùng đỉnh 1.500 điểm và chạm đáy trong quý IV/2022 (giảm 32,5%), nhưng hầu hết mức độ ảnh hưởng là thấp hơn VN-Index. Sau đó, các quỹ đã có mức phục hồi đáng kể và chính thức tăng trưởng dương từ quý I/2024, rồi tiếp tục cải thiện thêm ở các quý tiếp theo.
Dù vậy, bối cảnh thị trường khó khăn vẫn khiến nhiều quỹ chưa thể tăng trưởng dương, điển hình như Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) giảm 1,6%, Quỹ Đầu tư cổ phiếu tập trung cổ tức DC (DCDE) giảm 3,8% hay Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 5 (TVGF3) giảm 7,9%.
Trái lại, theo thống kê của Fmarket, không ít quỹ đầu tư đã có tăng trưởng vượt trội so với diễn biến của chỉ số VN-Index trong 2 năm qua. Trong đó, hiệu suất Top đầu thuộc về Quỹ Đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững (SSISCA).
Tương quan diễn biến VN-Index từ đầu năm 2022 tới nay so với tăng trưởng NAV quỹ SSISCA
Theo báo cáo mới nhất của SSISCA, hiệu suất đầu tư tốt hơn chỉ số tham chiếu của Quỹ chủ yếu đến từ việc Quỹ phân bổ tỷ trọng cao hơn thị trường vào các ngành có tăng trưởng vượt trội so với VN-Index, bao gồm ngành CNTT được dẫn dắt bởi FPT; ngành Hàng tiêu dùng bền và may mặc được dẫn dắt bởi MSH, PTB; ngành Tư liệu sản xuất được dẫn dắt bởi VEA; ngành Vật liệu được dẫn dắt bởi HPG và ngành Tiện ích được dẫn dắt bởi BWE.
Bên cạnh đó, Quỹ phân bổ tỷ trọng thấp hơn thị trường đối với ngành Ngân hàng và đạt hiệu suất đầu tư tích cực cho các vị thế đầu tư vào STB và VCB.
Hiệu suất đầu tư của các quỹ tích cực hơn VN-Index trong 2 năm qua
Thực tế, tuy khác nhau về chiến lược và phương pháp đầu tư, nhưng điểm chung của các quỹ là “ưu ái” cho nhóm ngân hàng, với cơ cấu nhóm này chiếm khoảng 25 - 30% tỷ trọng danh mục quỹ. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin (FPT), bán lẻ (MWG, PNJ) cũng được nhiều quỹ lựa chọn là khoản đầu tư hàng đầu danh mục.
Trong quý vừa qua, các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh tích cực và nhóm cổ phiếu vua cũng có diễn biến tương đồng. Còn cổ phiếu FPT, kể từ đầu năm tới nay đã 37 lần vượt đỉnh - một kỷ lục hiếm thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam. So với thời điểm đầu năm, FPT đã tăng xấp xỉ 76%, vượt trội so với VN-Index.
Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 213.000 tỷ đồng (khoảng 8,4 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 4 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.
Lợi thế của nhà đầu tư quỹ mở đến từ danh mục được thiết lập và quản lý bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, chọn lọc dựa trên quy trình chặt chẽ, có sự phân tích, đánh giá toàn diện. Các nhận định dựa trên những nghiên cứu sâu về thị trường và công ty niêm yết.
Bên cạnh đó, việc nắm giữ nhiều loại tài sản hoặc nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau giúp danh mục quỹ phân tán được rủi ro. Theo Fmarket, đây là yếu tố mà những nhà đầu tư cá nhân khó làm tốt, vì những trở ngại liên quan đến thời gian, kinh nghiệm và hạn chế về số vốn đầu tư.
Lam Phong