Theo báo cáo thị trường trái phiếu tuần từ ngày 23/6 - 27/6 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hoạt động đấu thầu trái phiếu chính phủ tiếp tục ghi nhận những chuyển biến đáng chú ý. Cụ thể, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức gọi thầu tổng cộng 17.500 tỷ đồng, tăng mạnh 45,8% so với tuần trước đó, đặc biệt ở kỳ hạn 10 năm. Mặc dù giá trị gọi thầu tăng đáng kể, tỷ lệ trúng thầu lại giảm nhẹ, đạt 79,5%.
Cụ thể, kỳ hạn 10 năm tiếp tục là điểm sáng khi được gọi thầu với quy mô lớn nhất, 11.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trúng thầu cao 91,3%. Kỳ hạn 5 năm được chào thầu 4.000 tỷ đồng và cũng ghi nhận tỷ lệ trúng thầu tích cực 95%. Ngược lại, hai kỳ hạn dài hơn là 15 năm và 30 năm vẫn duy trì mức độ quan tâm hạn chế từ thị trường: Kỳ hạn 15 năm gọi 2.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu nào, trong khi kỳ hạn 30 năm chỉ trúng 14,6% trên tổng khối lượng 500 tỷ đồng gọi thầu.
Thị trường trái phiếu thứ cấp sôi động trở lại với giao dịch tăng 30,1%, đạt hơn 104.100 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Diễn biến lãi suất trúng thầu cho thấy mặt bằng lợi suất tiếp tục chịu áp lực tăng nhẹ, với kỳ hạn 5 năm và 10 năm cùng nhích 5 điểm cơ bản (bps) và 4 bps so với phiên trước đó. Riêng lãi suất kỳ hạn 30 năm không thay đổi so với phiên trước đó.
Lũy kế đến ngày 26/6, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 184.200 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, hoàn thành 75,7% kế hoạch quý II/2025 và đạt 36,8% kế hoạch phát hành cả năm. Trong đó, kỳ hạn 10 năm tiếp tục đóng vai trò chủ lực khi hoàn thành 65,7% kế hoạch cả năm.
Trong tuần này, Kho bạc Nhà nước dự kiến giảm quy mô gọi thầu xuống còn 10.000 tỷ đồng, phân bổ vào các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (6.500 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng).
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch đạt 104.100 tỷ đồng trong tuần, tăng 30,1% so với tuần trước. Đà tăng này được dẫn dắt bởi cả giao dịch mua bán lại và giao dịch thông thường đều sôi động trở lại, cho thấy thanh khoản thị trường có dấu hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại trạng thái bán ròng với giá trị 317 tỷ đồng sau 3 tuần mua ròng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng tổng cộng 2.511 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu chính phủ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong tuần gần như đi ngang ở các kỳ hạn ngắn, trong khi các kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm ghi nhận mức tăng nhẹ không đáng kể
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong tuần từ ngày 23/6 - 27/6, thị trường ghi nhận 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 46.777 tỷ đồng. Diễn biến này góp phần nâng tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2025 lên 218.831 tỷ đồng. Trong đó, phát hành ra công chúng chiếm 12,8% với 14 đợt, tổng giá trị 27.904 tỷ đồng. Còn lại là 167 đợt phát hành riêng lẻ với 190.927 tỷ đồng, chiếm 87,2% tổng số phát hành.
Hoạt động mua lại trái phiếu cũng diễn ra sôi động khi các doanh nghiệp đã mua lại 7.880 tỷ đồng trong tuần qua. Tính từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 94.203 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2024. Ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành chủ lực trong hoạt động mua lại, chiếm khoảng 54,4% tổng giá trị (tương đương 51.210 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn thanh toán là 133.011 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71.379 tỷ đồng, tương đương 53,7%, trong khi nhóm ngân hàng xếp thứ hai với 33.281 tỷ đồng (chiếm 25%).
Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng có dấu hiệu sôi động trở lại. Trong tuần qua, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trung bình đạt 8.315 tỷ đồng/ngày, tăng mạnh 53,8% so với tuần trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường đạt khoảng 607.795 tỷ đồng.
Ngọc Ngân