Khảo sát tại một số cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội, không còn tình trạng khan hiếm vàng như hồi tháng 4. Ảnh: TB.
Khác với những đợt sốt giá hồi đầu năm, lượng giao dịch vàng miếng tại nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội đang giảm rõ rệt trong vài tuần trở lại đây. Không còn cảnh chen lấn mua vàng SJC, nhiều tiệm vàng cho biết khách hàng chủ yếu tham khảo giá, nếu có giao dịch thì cũng chỉ thực hiện với số lượng nhỏ.
Theo số liệu từ Cục thống kê, tính đến ngày 28/6/2025, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3,369.73 USD/ounce, tăng 1.93% so với tháng 5/2025. Tuy nhiên trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025.
Biểu đồ thể hiện dao động của giá vàng thế giới trong tháng 6/2025. Ảnh: TB
Sự trầm lắng hiện nay được một số cơ sở kinh doanh vàng cho rằng xuất phát từ tầm quan trọng của dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012. Nghị định 24 từng được xem là “xương sống” trong việc kiểm soát thị trường vàng suốt hơn 10 năm qua. Theo yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước(NHNN) phải trình dự thảo nghị định sửa đổi trước ngày 15/7, trong đó đáng chú ý là việc gỡ bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng của SJC.
Theo dự thảo đang lấy ý kiến, thay vì chỉ một thương hiệu vàng miếng “quốc gia”, thị trường sẽ mở cửa hơn, cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng có đủ điều kiện (vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng, với ngân hàng là 50.000 tỷ đồng) được cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ cấp hạn mức nhập khẩu vàng từng lần, giúp tăng khả năng phản ứng linh hoạt với diễn biến thị trường.
Ông Nguyễn Văn Trọng, quản lý một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận xét: “Trong 1 tháng qua lượng khách mua bán tại cửa hàng tôi đều giảm. Tâm lý chung là nghe tin sắp có thay đổi lớn về chính sách, nên ai cũng dè chừng, không vội quyết định. Nhiều người hỏi liệu sau này SJC có còn là vàng ‘quốc gia’ nữa không, giá có bị ảnh hưởng không. Đa phần khách hàng hỏi đều trong tâm lý chờ quy định rõ ràng hơn mới đầu tư tiếp.”
Sự dè dặt của các nhà đầu tư cũng khiến thị trường rơi vào thế “giằng co”. Giá vàng trong nước dù vẫn duy trì cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng mỗi lượng, nhưng lại ít biến động, phản ánh trạng thái chờ đợi rõ nét từ cả phía người bán lẫn người mua.
Với những người đã mua vàng ở vùng giá cao hồi tháng 4, thời điểm này là giai đoạn khó quyết định,giữ thì lo chính sách mới làm giá biến động, bán ra thì sợ “nhỡ” mất cơ hội tăng tiếp.
Chị Lê Minh Phương, một nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Định Công, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đang giữ 20 lượng vàng SJC, mua vào khi giá đỉnh, trên 120 triệu đồng mỗi lượng. Nghe nói sắp sửa đổi Nghị định 24, tôi cũng băn khoăn nếu bỏ độc quyền thì không biết giá SJC có giảm không. Nhưng bán ra lúc này cũng tiếc vì chưa có thông tin gì rõ ràng. Đành để yên chờ.”
Ông Vũ Tiến Minh, nhà đầu tư tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng chọn giải pháp "án binh bất động", ông Minh cho rằng thị trường hiện tại tiềm ẩn quá nhiều ẩn số, đặc biệt là việc có thể có thêm doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng, dẫn đến thay đổi trong nguồn cung, thương hiệu, và niềm tin thị trường”.
Còn ông Nguyễn Hoàng Long, quản lý một công ty kinh doanh vàng tại Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn, “Nếu sau này có 3-4 thương hiệu vàng miếng cùng lưu hành thì khách hàng sẽ phản ứng ra sao? Họ có phân biệt được không? Liệu thị trường có xảy ra tâm lý ‘thương hiệu vàng hạng 2’ sau SJC? Nếu không có lộ trình rõ ràng và truyền thông đầy đủ có thể dẫn đến hoang mang cho nhà đầu tư.”
TS. Nguyễn Ngọc Hùng, giảng viên kinh tế tài chính, hệ Đại học liên kết quốc tế La Trobe tại Việt Nam cho rằng quá trình chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang mở cửa thị trường sẽ không thể tránh khỏi những xáo trộn ban đầu. Điều này lý giải vì sao thị trường hiện đang “nằm im thở khẽ”, không phải vì thiếu quan tâm, mà vì đang bước vào giai đoạn nhạy cảm, nơi mọi hành động đều cần tính toán kỹ.
Mặc dù thị trường đang chững lại, song ông Hùng tin rằng đây là thời điểm phù hợp để rà soát lại toàn bộ cấu trúc thị trường vàng, tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn. “Việc sửa đổi Nghị định 24 không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn mang thông điệp về minh bạch hóa, cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát rủi ro thị trường”, ông Hùng nhấn mạnh.
Còn TS. Trần Phương, chuyên gia kinh tế viện Kinh tế chiến lược LSE cho rằng đây là một bước đi hợp lý, mang tính cải cách. “Độc quyền SJC khiến thị trường méo mó, không phản ánh đúng cung – cầu. Giá vàng trong nước thường xuyên vênh quá lớn so với thế giới, gây tâm lý bất ổn, tạo điều kiện cho đầu cơ, buôn lậu. Việc mở cửa sản xuất, kết hợp với cơ chế kiểm soát linh hoạt từ NHNN tôi tin sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn”, TS Trần Phương đánh giá.
TS Trần Phương cũng nhận định yêu cầu về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, cũng như kết nối với các chính sách tiền tệ – tài khóa, cho thấy thị trường vàng đang bước vào một môi trường tài chính hiện đại hơn, vàng là một phần nhưng không thể thao túng nền kinh tế.
“Thị trường vàng đang bước vào giai đoạn “nghỉ giữa hiệp”, khi cả giới đầu tư lẫn doanh nghiệp đều tạm ngừng giao dịch mạnh để chờ rõ ràng hơn từ chính sách. Đây là trạng thái bình thường trước những thay đổi lớn, và cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trưởng thành hơn, không còn phản ứng theo hiệu ứng đám đông. Với những ai đã đầu tư vàng, đây là lúc cần bình tĩnh, theo dõi sát diễn biến chính sách, tránh mua bán theo cảm xúc. Với những người còn đứng ngoài, cơ hội và rủi ro đang đan xen, và điều cần nhất là thông tin minh bạch từ cơ quan quản lý để nhà đầu tư có thể ra quyết định đúng đắn”, TS. Trần Phương phân tích.
Thanh Bình