Chuỗi dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ trong tuần qua không đủ sức kìm hãm đà tăng của giá vàng, khi lo ngại địa chính trị và rủi ro nợ công tiếp tục hỗ trợ kim loại quý này đi lên, bất chấp tâm lý chấp nhận rủi ro có dấu hiệu hồi phục.
Giá vàng giao ngay khởi đầu tuần ở mức 3.271 USD/oz và có thời điểm giảm xuống dưới 3.250 USD - mức thấp nhất tuần. Tuy nhiên, sau đó giá vàng đảo chiều và bắt đầu tăng đều. Sáng phiên thứ Ba, vàng giao ngay đã giao dịch ở mức 3.356 USD/oz. Trong hai ngày tiếp theo, giá vàng giao dịch trong khoảng 3.330 đến 3.355 USD/oz trước khi có đợt tăng giá vào cuối phiên thứ 4, giá vàng giao ngay đạt định trong tuần ở mức là 3.365 USD/oz.
Đợt điều chỉnh mạnh nhất diễn ra ngay trước thời điểm công bố dữ liệu việc làm, khi vàng giảm từ 3.350 USD/oz xuống 3.312 USD/oz chỉ trong 15 phút. Tuy vậy, thị trường nhanh chóng hồi phục, và đến phiên mở cửa Bắc Mỹ, giá vàng đã quay lại vùng 3.337 USD/oz và duy trì trong biên độ hẹp 10 USD cho tới kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.
Cuộc khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy giới chuyên gia vẫn còn băn khoăn về triển vọng ngắn hạn của vàng, trong khi các nhà đàu tư cá nhân nghiêng về xu hướng tăng giá.
“Giá sẽ tăng”, Adam Button, giám đốc chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com nhận định và cho biết thêm: “USD ban đầu tăng sau dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp, sau đó nhanh chóng đảo ngược. Điều đó làm nổi bật xu hướng bán USD không ngừng thống trị nửa đầu năm. Khi xu hướng đó tiếp tục và kéo dài, vàng sẽ được hưởng lợi”.
Đồng quan điểm, Rich Checkan, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Asset Strategies International cũng cho rằng: "Dự luật thuế mới có thể khiến nợ công Mỹ tăng thêm 4.000 tỷ USD trong 10 năm tới, cộng với mức thâm hụt ngân sách đã được dự báo là 2.000 tỷ USD mỗi năm. Điều này có thể đẩy tổng nợ lên trên 50.000 tỷ USD vào năm 2035… chưa kể Quỹ An sinh xã hội sẽ cạn kiệt vào năm 2033, đó mới là kịch bản lạc quan”.
“Thế giới đang "thức tỉnh" trước vấn đề chi tiêu vượt mức và nợ công. Và giải pháp chính là vàng”, ông nói thêm.
Ở chiều ngược lại, Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management lại thận trọng hơn và cho rằng giá sẽ "Giảm".
“Một loạt yếu tố tiêu cực có thể hội tụ, bao gồm các thỏa thuận thuế quan và kỳ vọng gia tăng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 7, cùng với đà chững lại trong hoạt động mua vàng từ ngân hàng trung ương và các tổ chức không chính thức tại Trung Quốc. Dù vậy, bất kỳ nhịp điều chỉnh nào cũng sẽ nông và ngắn hạn”.
Colin Cieszynski, chuyên gia chiến lược gia thị trường trưởng tại SIA Wealth Management, tin rằng Cục Dự trữ Liên bang đang rơi vào thế khó xử.
“Fed đang bị mắc kẹt”, ông nói và thêm rằng: “Lạm phát đã giảm, vì vậy Fed nên có dư địa để hạ lãi suất. Tuy nhiên, nền kinh tế đang mạnh, vì vậy thông thường lãi suất sẽ tăng do áp lực lạm phát sẽ tăng lên”.
Cieszynski cảnh báo việc cắt giảm lãi suất mang ý nghĩa vượt ngoài yếu tố chi phí vay: “Cái mà giới chính trị thường bỏ qua là yếu tố tín hiệu. Khi Fed bắt đầu cắt giảm, thị trường không coi đó là dấu hiệu của sự thịnh vượng, mà là tín hiệu khẩn cấp, như trong thời kỳ suy thoái”.
“Nếu Fed hạ lãi suất trong khi kinh tế còn mạnh, điều đó có thể làm bùng phát lạm phát. Nhất là khi các biện pháp thuế quan hiện tại cũng gây áp lực tăng giá. Fed vẫn lo ngại không phải lạm phát hiện tại, mà là rủi ro lạm phát trong 12 tháng tới nếu các yếu tố này cùng tác động”, ông nói thêm.
Theo ông, nguyên nhân vàng chưa giảm sâu là do đồng USD lao dốc: “Tỷ giá EUR/USD đã tăng 14% trong 6 tháng qua. Bảng Anh tăng 10%, nhân dân tệ tăng 8%, đô la Canada và đô la Australia đều tăng khoảng 6%. Đó là những biến động rất lớn đối với thị trường tiền tệ”.
“Trong ba tháng gần đây, giá vàng đi ngang dù thị trường chứng khoán bứt phá nhờ giảm thiểu rủi ro. Điều đó đáng lẽ khiến vàng giảm mạnh, nhưng thực tế không như vậy. Giá vàng đang phản ánh sự "sụp đổ" của bạc xanh, điều đã hỗ trợ cho cổ phiếu nhưng đồng thời giúp vàng giữ được giá”, vị này phân tích.
Hiện thị trường đang định giá khoảng 80 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất trong năm 2025, tương đương ba lần hạ lãi suất.
“Họ có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và 12, và có thể là một lần trong tháng 7 để "chiều lòng" Tổng thống Trump”, Cieszynski dự đoán.
Dù vậy, ông cho rằng điều đó sẽ không tạo ra cú huých lớn cho vàng hay thị trường tài chính nói chung: “Tôi không nghĩ sẽ có tác động đáng kể, vì thị trường đã kỳ vọng trước rồi”.
Tuần này, trong số 14 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Kitco, có 5 chuyên gia, tương ứng 36% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 chuyên gia, tương ứng với 28%, dự đoán kim loại quý sẽ giảm, trong khi 5 người còn lại, tương ứng với 36%, dự đoán giá vàng sẽ đi ngang tuần tới.
Trong khi đó, với 243 nhà đầu tư cá nhân tham gia khảo sát trực tuyến, 143 người, tương ứng với 59% kỳ vọng giá tăng, 49 người, tương ứng với 20% dự đoán giá giảm xuống, trong khi 51 nhà đầu tư còn lại, tương ứng 21% tin rằng giá sẽ củng cố một lần nữa trong tuần tới.
Sau một tuần tập trung vào các số liệu về việc làm, thị trường vàng sẽ có thể "nghỉ ngơi" sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ.
Tuần tới, vào thứ Ba, Ngân hàng trung ương Úc (RBA) sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ của mình. Vào thứ Tư, thị trường vàng sẽ đón nhận biên bản cuộc họp FOMC tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và sáng thứ Năm sẽ chứng kiến việc công bố các đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.
Nhận định về giá vàng tuần tới, Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex nhận thấy giá vàng tiếp tục suy yếu sau dữ liệu của tuần này.
"Số liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến và lãi suất tăng đã làm gián đoạn sự phục hồi của vàng. Thị trường giao ngay có khả năng ghi nhận tín hiệu tiêu cực hôm nay, cho thấy xu hướng điều chỉnh có thể chưa kết thúc. Vùng giá 3.250 USD vẫn là mục tiêu hợp lý, thậm chí có thể thấp hơn một chút", ông nói.
Sean Lusk, đồng Giám đốc phòng ngừa thương mại tại Walsh Trading, cho rằng lập luận cắt giảm lãi suất đang mâu thuẫn với diễn biến thị trường và nền kinh tế thực.
“Thông thường chỉ cắt lãi suất khi kinh tế gặp khó khăn, nhưng hiện nay không phải vậy. Trong nhiều giác độ, việc cắt giảm lúc này là không cần thiết, dù có áp lực và nhiều phát biểu từ Fed hướng về điều đó”, ông nói.
Vị này nhận định: “Họ có thể lo ngại về việc làm khu vực tư nhân, nhưng nhiều doanh nghiệp đang trì hoãn tuyển dụng do chưa rõ các thỏa thuận thương mại. Khi môi trường rõ ràng hơn, hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi. Vậy thì có lý do gì để nới lỏng khi thị trường chứng khoán đang ở đỉnh?”.
Theo ông Lusk, lĩnh vực bất động sản, vốn là thế mạnh của Tổng thống Trump có thể là điểm đáng lo, khi chi phí vay cao khiến khả năng mua nhà suy giảm, ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều ngành liên quan. Tuy nhiên, ông vẫn nghi ngờ hiệu quả của việc nới lỏng lúc này.
“Cắt giảm 0,5 điểm phần trăm thì có ích gì? Vay mua nhà có thể rẻ hơn chút, nhưng còn lạm phát thì sao? Giá thực phẩm và năng lượng đã hạ nhiệt, những yếu tố chính trong chi tiêu hộ gia đình. Giờ nới lỏng lại để làm gì?”, ông nêu quan điểm
Quay lại với vàng, ông Lusk cho rằng mức giá trên 3.300 USD/oze là quá cao so với tình hình hiện tại: “Thị trường đang trở nên rõ ràng hơn, và khi sự chắc chắn dần lấn át bất định, chẳng hạn như nếu đạt được các thỏa thuận thương mại, các doanh nghiệp biết rõ mức thuế nền tảng thì rủi ro thị trường giảm đi. Khi đó, giá vàng sẽ không còn nhiều động lực”.
“Với mức điều chỉnh về vùng 3.000-3.225 USD/oz, vàng vẫn duy trì xu hướng tăng. Vàng đóng cửa năm ngoái ở 2.641 USD/oz, nếu điều chỉnh về vùng 3.141-3.170 USD vẫn cao hơn 20% trong năm nay”, ông dự báo.
Dù vậy, Lusk vẫn tin rằng vàng sẽ tăng trở lại trong năm 2025: “Bất kỳ nhịp điều chỉnh nào cũng chỉ là tạm thời. Tôi cho rằng rủi ro sẽ tăng trở lại vào cuối năm”.
Trong khi đó, chuyên gia phân thích thị trường cấp cao tại Barchart.com Darin Newsom cho biết thị trường vàng có thể sẽ đi ngang.
“Vàng vẫn giữ được vai trò trú ẩn an toàn, nhất là khi thời hạn áp thuế tiếp theo của Mỹ sắp đến gần. Trên biểu đồ kỹ thuật, giá vàng tương lai tháng 8 đang đi trong biên độ từ 3.539,30 USD/oz (đỉnh ngày 22/4) đến 3.151 USD/oz (đáy ngày 15/5), với mức trung bình tại 3.345,20 USD/oz. Biên độ ngắn hạn hơn là từ 3.476,30 USD/oz (16/6) đến 3.250,50 USD/oz(30/6), với giá trung bình tại 3.363,40 USD/oz. Giá hợp đồng tháng 8 hiện ở quanh 3.343 USD, rất gần vùng trung bình”, ông phân tích.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco cũng cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp.
“Giá đi ngang, biến động nhẹ. Biểu đồ vẫn hơi nghiêng về xu hướng tăng, nhưng phe mua cần thêm động lực cơ bản để phá vỡ vùng dao động hiện tại”, ông nói.
Tại thời điểm viết bài, giá vàng giao ngay đang ở mức 3.326,03 USD/oz, giảm 0,93% trong ngày nhưng vẫn tăng 1,76% trong tuần.
Trong tuần qua, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã "xả" tổng cộng 7,16 tấn vàng, hạ lượng vàng nắm giữ xuống còn 947,66 tấn.
T.Giang