Thị trường xe điện bùng nổ: Có lo thiếu điện?

Thị trường xe điện bùng nổ: Có lo thiếu điện?
7 giờ trướcBài gốc
Xe điện bùng nổ, thị trường bước vào cao trào
Trong những năm gần đây, xe điện tại Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt, trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành giao thông vận tải. Với sự tham gia của nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước, thị trường xe điện tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn nở rộ và bùng nổ trong thời gian tới.
Thị trường xe điện tại Việt nam đang bùng nổ/Ảnh minh họa
Tính đến giữa năm 2025, số lượng ô tô điện thuần (BEV) đang lưu hành tại Việt Nam được ước tính đạt 100.000–150.000 chiếc. Trong năm 2024, tổng doanh số xe điện và hybrid đã đạt 97.000 xe, chiếm 22% thị phần xe du lịch, trong đó ô tô điện chiếm khoảng 90.000 xe. Dự báo đến cuối 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên 25–30%.
Trong nhóm doanh nghiệp trong nước, VinFast vẫn là cái tên nổi bật nhất, giữ vai trò đầu tàu trong cả hai phân khúc ô tô điện và xe máy điện.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025, VinFast đã bàn giao 35.105 ô tô điện chỉ trong 3 tháng đầu năm – chiếm khoảng 70% thị phần ô tô điện thuần (BEV) tại Việt Nam. Trước đó, trong năm 2024, hãng cũng đã giao hơn 87.000 xe điện, chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng doanh số xe điện trên thị trường. Mục tiêu năm 2025 của VinFast là đạt mốc 200.000 xe ô tô điện.
Ở mảng xe máy điện, VinFast duy trì đà tăng trưởng mạnh với 44.904 xe bán ra trong quý I/2025, tăng tới 473% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với mạng lưới hơn 150.000 trạm sạc trải khắp cả nước và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, VinFast đang thiết lập một lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối trong giai đoạn đầu phát triển thị trường.
Không chỉ có VinFast, thị trường xe máy điện cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều doanh nghiệp nội địa: Pega, với hơn một thập kỷ hoạt động, hiện chiếm thị phần 15–16%, nhờ các dòng xe giá rẻ phục vụ học sinh, sinh viên và người lao động.
Dat Bike, startup Việt nhắm đến phân khúc hiệu suất cao, đã chiếm được 2–3% thị phần, với mẫu Weaver++ có thể đạt tốc độ tới 90 km/h. Hãng dự kiến mở thêm 50 cửa hàng trong năm 2025. Selex Motors lựa chọn chiến lược khác biệt: tập trung vào phân khúc xe điện logistics, phục vụ thị trường B2B. Với hệ thống trạm đổi pin nhanh và đối tác như GrabExpress, Lazada, Be…, Selex đang dẫn đầu thị phần giao hàng bằng xe điện.
Đáng chú ý, Honda Việt Nam – doanh nghiệp nắm giữ phần lớn thị phần xe máy xăng truyền thống đã chính thức bước vào thị trường xe điện với mẫu Icon e (giá từ 26,4 triệu đồng) và mô hình cho thuê xe điện học sinh CUV e.
Bên cạnh đó, nhiều hãng xe khác như MG, Chery, Wuling cũng đã gia nhập cuộc chơi. Những mẫu xe điện đô thị giá rẻ, từ 250–300 triệu đồng, đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn về giá đối với các doanh nghiệp nội địa.
Mới đây, theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp chuyển đổi phương tiện, đảm bảo đến 1/7/2026 không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Đồng thời, Hà Nội được yêu cầu nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, đăng ký, cấp biển số và phí giữ xe đối với các loại xe cơ giới từ quý III/2025.
Đây được xem là cơ hội lớn cho xe máy điện và phương tiện công cộng, khi nhu cầu chuyển đổi phương tiện sẽ tăng mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh xe máy điện có thể tận dụng thời điểm này để bứt phá doanh số.
Với tình hình thị trường hiện tại, giới chuyên gia nhận định, năm 2025 và các năm tiếp theo, xe điện sẽ lên ngôi và phát triển mạnh mẽ. Bởi vì, hiện nay so với xe động cơ đốt trong, xe điện đang được ưu đãi lớn hơn trong xu thế chuyển đổi xanh. Theo Nghị định vừa được Chính phủ ban hành, thời gian miễn 100% lệ phí trước bạ cho ôtô điện được kéo dài thêm 2 năm, đến 28/2/2027. Theo quy định mới, đối với ô tô điện chạy pin kể từ ngày 1/3/2025 đến hết ngày 28/2/2027 tiếp tục nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%.
Lộ trình chuẩn bị nguồn cung và cơ chế đầu tư trạm sạc
Tăng trưởng xe điện, đặt ra cấp bách về hạ tầng: Xe có thể sản xuất, người dân có thể mua, nhưng liệu có đủ điện để sạc, có đủ trạm sạc ở các khu đô thị, đường cao tốc, khu chung cư, vùng sâu vùng xa?, nếu hạ tầng sạc không kịp theo xe, thị trường sẽ sớm bị “ ghìm phanh”.
Hàng triệu xe điện nap vào buổi đêm, công suất tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phụ tải lưới điện/Ảnh minh họa
Khi hàng triệu xe điện đi vào vận hành, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là nguồn điện có đủ để sạc không? có quá tải không?
Về việc này, trao đổi với PetroTimes, ông Trần Đức Việt, Phòng điều độ - Công ty truyền tải 1( Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) cho biết, người dân không nên quá lo lắng về việc này, bởi khi hàng trăm nghìn hay hàng triệu xe điện vào vận hành , lúc đó cơ sở hạ tầng về trạm sạc cũng đã phát triển đủ để đáp ứng (hiện tại đang đẩy mạnh nhượng quyền làm trạm sạc rất mạnh).
Cũng theo ông Việt, nếu hàng triệu xe điện nap vào buổi đêm, thì công suất tăng nhưng thực tế không ảnh hưởng nhiều đến phụ tải lưới điện, bởi khi điện lực cấp điểm đấu nối trạm sạc họ đã tính cho đủ công suất max. Hơn thế nữa, xe điện chủ yếu được sạc vào ban đêm – thời điểm tiêu thụ thấp, giúp tận dụng nguồn điện dư thừa, giảm áp lực vào giờ cao điểm.
Ông Việt lấy ví dụ: 1 chiếc xe ô tô điện với dung lượng pin là 60 kWh, hiệu suất sạc là 90%, khi đó điện năng tiêu thụ là 60 kWh / 0.9 = 66.67 kWh. Vậy 1 triệu xe sạc cùng lúc cũng chỉ tiêu thụ khoảng 66,67 triệu kWh.
“Ngay cả trong kịch bản cao nhất đến 2030 với 3 triệu ô tô điện và 10 triệu xe máy điện, tổng nhu cầu sạc điện chỉ chiếm khoảng 1,5–2% tổng sản lượng điện quốc gia, tương đương 7–10 tỷ kWh/năm. Đây là con số khá nhỏ, cho thấy hạ tầng điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi sang phương tiện điện nếu có kế hoạch đầu tư, phân bổ hợp lý), ông Việt cho biết thêm.
Điện không thiếu, trạm sạc thì sao?. Ngoài vấn đề điện, người tiêu dùng cũng quan tâm đến hệ thống trạm sạc. Xe có thể mua được, nhưng nếu không có trạm sạc đủ người dân sẽ e ngại chuyển đổi. Để đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu chiếc xe điện, việc phủ sóng các trạm sạc là điều bắt buộc vì trạm sạc được ví như “xương sống” của phát triển xe điện.
VinFast hiện sở hữu hơn 150.000 trạm sạc
Hiện ở Việt Nam, VinFast đang là đầu tàu phát triển hệ thống trạm sạc rất lớn, phủ sóng khắp cả nước, phục vụ cho những người đang sử dụng xe VinFast. VinFast hiện sở hữu hơn 150.000 trạm sạc, đồng thời triển khai mô hình kết hợp trạm sạc và điện mặt trời mái nhà tại các trung tâm thương mại, giúp giảm 30% chi phí vận hành/năm.
Ngoài VinFast, một số doanh nghiệp cũng đang nhảy vào lĩnh vực phát triển trạm sạc xe điện có thể kể đến như: Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam, EverCharge, EVG, Charge Plus, DatCharge, VuPhong Energy, Autel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL).
EVN đang thử nghiệm trạm sạc công cộng tại Đà Nẵng, TP.HCM; EBOOST hợp tác với nhiều tòa nhà văn phòng tại Hà Nội, cung cấp giải pháp sạc nhanh; PVOIL và Petrolimex đang tích hợp trạm sạc tại hệ thống cây xăng truyền thống; PV Power cũng đang triển khai thử nghiệm trạm sạc ở một số địa điểm tại Hà Nội. Các startup như Selex, Pega phát triển mô hình đổi pin nhanh cho xe máy điện.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch riêng: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh,… yêu cầu mỗi khu đô thị mới có tối thiểu 2 trạm sạc công cộng, tích hợp vào bãi đỗ, tòa nhà, và kết nối trực tiếp với trạm biến áp nội khu.
Các trạm sạc sẽ đa dạng về loại hình, bao gồm trạm sạc nhanh, trạm sạc tiêu chuẩn và tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích khác. Dù vậy, việc phát triển hạ tầng sạc tại Việt Nam vẫn gặp không ít rào cản.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, các rào cản hiện nay để phát triển trạm sạc bào gồm: Ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng: Các nhà đầu tư kỳ vọng được miễn thuế nhập khẩu thiết bị sạc, miễn tiền thuê đất, vay tín dụng xanh, nhưng thiếu quy định cụ thể; Thiếu đồng bộ giữa các ngành: Nhiều chung cư, tòa nhà chưa có quy chuẩn kỹ thuật cho lắp trạm sạc. Chủ đầu tư lo ngại về an toàn PCCC, công suất điện không đủ...
Bên cạnh đó, chưa chuẩn hóa đầu cắm và hệ thống thanh toán: Trên thị trường tồn tại nhiều chuẩn đầu sạc khác nhau, gây khó khăn cho người dùng.
Vì vậy, để vượt qua “rào cản” này, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất: Cần khuyến khích sạc vào giờ thấp điểm; Ưu tiên vốn tín dụng xanh, miễn/giảm thuế và hỗ trợ đất cho nhà đầu tư hạ tầng sạc; Chuẩn hóa thiết bị sạc và hệ thống thanh toán trên toàn quốc; Tích hợp trạm sạc vào quy hoạch đô thị, cao tốc, trung tâm logistics; Đẩy mạnh mô hình PPP, tránh độc quyền đầu tư trạm sạc.
“Nếu chúng ta coi xe điện là trung tâm của giao thông xanh, thì trạm sạc là “xương sống”. Thiếu “xương sống”, cơ thể không thể vận hành. Hạ tầng sạc cần được nhìn nhận như một phần của chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Trong xu thế chuyển dịch năng lượng xanh, sự bùng nổ xe điện là tất yếu. Điều quan trọng lúc này là kịp thời giải quyết các nút thắt về hạ tầng và chính sách. Trạm sạc không còn là điểm nghẽn nếu có quy hoạch bài bản, cơ chế ưu đãi rõ ràng, liên kết chặt giữa Nhà nước – địa phương – doanh nghiệp. Nếu những điều kiện này được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên giao thông xanh – không khói xăng, không phát thải, và không lo thiếu điện.
Huy Tùng
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/thi-truong-xe-dien-bung-no-co-lo-thieu-dien-730101.html