Ngành xe máy trước áp lực điện hóa của các đô thị lớn. Ảnh: TL
Xe máy điện sẽ "bùng nổ"?
Từ năm 2018, thị trường xe máy Việt Nam đã bắt đầu chững lại hoặc giảm sút về doanh số. Năm 2018, tiêu thụ đạt khoảng 3,3 triệu xe, đến năm 2020 giảm còn hơn 2,7 triệu xe, rồi duy trì mức gần 2,5 triệu xe/năm trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường này đã có dấu hiệu khởi sắc khi lượng tiêu thụ tăng 5,46% so với năm trước, đạt hơn 2,6 triệu chiếc. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, theo dữ liệu của Hiệp hội Các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng lượng bán của các thành viên gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM đạt hơn 1,2 triệu chiếc, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần nào phản ánh sự phục hồi của thị trường, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các dòng xe điện.
Tuy nhiên, con số thống kê của VAMM vẫn chưa phản ánh đầy đủ quy mô thị trường xe máy tại Việt Nam, đặc biệt khi chưa tính lượng bán của các hãng xe máy điện như VinFast, Pega, Dat Bike, Yadea... cũng như các thương hiệu mô tô phân khối lớn như Kawasaki, KTM, Ducati hay Harley-Davidson. Riêng VinFast - thương hiệu nội địa dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện - đã tiêu thụ gần 71.000 xe trong năm ngoái.
Tổng thể, lượng tiêu thụ xe máy thực tế có thể còn cao hơn nhiều, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm xanh, bền vững.
Các chuyên gia thị trường nhận định, mặc dù thị phần xe máy điện còn khá nhỏ, dưới 10% tổng lượng xe máy tiêu thụ, nhưng tốc độ tăng trưởng đều đặn cùng với các chính sách hỗ trợ của chính phủ đang tạo ra nền tảng vững chắc để ngành này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cụ thể gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ không còn mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Với chỉ thị này, thủ đô sẽ cấm hoạt động các mẫu xe hai bánh chạy xăng trong khu vực trung tâm từ đầu tháng 7 năm tới.
Đầu năm 2028, Hà Nội sẽ cấm xe mô tô, gắn máy lưu hành, đồng thời hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và 2; đến 2030, mở rộng hạn chế ra Vành đai 3.
Tại TPHCM, dự kiến từ đầu 2026, tài xế dịch vụ qua ứng dụng bắt buộc dùng xe điện khi đăng ký mới. Quá trình chuyển đổi dự kiến kéo dài hai năm, mục tiêu đến cuối 2026 là chuyển 30% xe, 80% vào 2027, và hoàn tất vào 2028.
Chính sách này không chỉ tạo ra áp lực lớn cho các hãng xe truyền thống mà còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp nội địa và quốc tế đẩy mạnh phát triển dòng xe phù hợp với quy định mới.
Các chuyên gia nhận định rằng, xu hướng sử dụng phương tiện “xanh” và chiến lược giảm phát thải theo cam kết đến năm 2050 của Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của xe điện.
Các hãng xe máy bước vào "cuộc chơi"
Hiện tại, khách hàng Việt Nam có nhiều lựa chọn xe máy điện với mức giá từ hơn 10 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Trong số các thương hiệu nội địa, VinFast nổi bật với vai trò dẫn đầu thị trường. Tính đến tháng 5, VinFast đã vươn lên vị trí thứ ba về thị phần xe máy tại Việt Nam, chỉ sau hai ông lớn Nhật Bản là Honda và Yamaha.
Thống kê của Motorcycles Data cho thấy, trong 5 tháng đầu 2025, lượng tiêu thụ xe máy điện VinFast tăng đến 488% so với cùng kỳ năm trước, còn Yadea tăng trưởng 36,8%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phản ánh tiềm năng lớn của phân khúc xe 2 bánh chạy điện ở thị trường nội địa.
Honda đã lắp ráp xe máy điện đầu tiên. Ảnh: HVN
VinFast và Yadea đều có dải sản phẩm phong phú, từ các dòng phổ thông đến trung cấp và cao cấp, tạo ra cuộc cạnh tranh trực tiếp.
Ngoài VinFast và Yadea, người tiêu dùng Việt còn có thêm các lựa chọn từ các thương hiệu khác như Pega, Dibao, Dat Bike, Selex Motor, Detech, DK Bike và các hãng Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhu cầu mua xe máy điện tại Việt Nam đã tăng trung bình 30-35% hàng năm trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh các đô thị lớn đẩy mạnh chính sách điện hóa phương tiện, mức tăng trưởng này dự báo sẽ còn vượt trội hơn nữa trong tương lai.
Các hãng xe Nhật Bản, Đài Loan… vốn thận trọng khi đưa dòng xe điện vào Việt Nam, nay đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ hơn. Honda chiếm khoảng 80% thị phần xe máy tại Việt Nam, vừa bàn giao mẫu xe điện CUV e: nhập khẩu từ Thái Lan. Đồng thời, hãng triển khai dịch vụ cho thuê xe điện CUV e tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Trong khi đó, mẫu ICON e: – xe máy thuần điện đầu tiên của Honda sản xuất tại Việt Nam, giá dưới 30 triệu đồng/xe đang tạo ra thế cạnh tranh trên thị trường.
Các hãng xe Nhật khác như Yamaha, Piaggio, Suzuki cũng đã có những bước đi trong lĩnh vực xe điện. Yamaha đã ra mắt Neo's từ cuối 2022, nhưng mức giá cao khiến lượng tiêu thụ thấp. Piaggio giới thiệu mẫu Piaggio One từ năm 2022 nhưng chưa mở rộng thị trường.
Suzuki, trong khi đó, đã đăng ký bản quyền mẫu xe máy điện Suzuki e-Address tại Việt Nam, được giới trong ngành dự báo sẽ sớm ra mắt. Hãng SYM đã thêm danh mục xe điện trên website, tuy nhiên vẫn chưa chính thức ra mắt sản phẩm nào. Những thương hiệu này đều nhận thấy tiềm năng lớn của phân khúc xe điện và đang có chiến lược mở rộng.
Hãng xe Indonesia Wedison khảo sát thị trường, mang theo gần 20 mẫu xe đa dạng về thiết kế và giá cả. Còn Yadea xây nhà máy thứ hai tại Bắc Giang với công suất 2 triệu xe/năm, gấp 4 lần nhà máy hiện tại. Điều này thể hiện tham vọng mở rộng thị trường và tăng sản lượng của các hãng xe điện quốc tế tại Việt Nam.
Chặng đường phía trước
Tuy nhiên, để thị trường xe máy điện thực sự phát triển bền vững, không chỉ dừng lại ở các chính sách thúc đẩy mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp, nhà quản lý.
Một trong những thách thức lớn nhất là hạ tầng sạc pin còn chưa đủ rộng khắp, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng ngày. Nhiều phản ánh cho thấy pin xe điện xuống cấp nhanh sau 2-3 năm, chi phí thay pin lại không hề rẻ, từ 5 đến 15 triệu đồng, trở thành rào cản lớn khiến người tiêu dùng e ngại.
Các hãng xe cần tiếp tục nâng cấp công nghệ pin, mở rộng mạng lưới trạm sạc nhanh, đảm bảo dịch vụ hậu mãi minh bạch, tin cậy. Honda đã cam kết sử dụng pin bảo quản trong kho chuyên biệt, kiểm định nghiêm ngặt, đồng thời còn dự kiến mua lại xe cũ của khách hàng sau 3 năm để thay pin mới, giúp người tiêu dùng an tâm hơn.
Với chính sách của Honda, các thương hiệu khác buộc phải đưa ra chính sách tốt hơn hoặc bằng để cạnh tranh.
Trong chiến lược dài hạn, doanh nghiệp tập trung vào giải pháp về giá, chính sách tài chính và tín dụng để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện xanh. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng dịch vụ hậu mãi và hợp tác với chính quyền địa phương để xây dựng hệ sinh thái xe điện bền vững, góp phần vào cuộc cách mạng xanh của Việt Nam.
Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ về phí, thuế, vay vốn và đẩy mạnh phát triển hạ tầng trạm sạc công cộng tại khu dân cư, trung tâm thương mại và cơ quan công sở.
Lê Hoàng