Bệnh nhân nữ 55 tuổi quê Quảng Ninh có thói quen ăn gỏi cá, tôm tái sống và rau sống hàng ngày. Thời gian qua bệnh nhân thường hay đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi. Cuối tháng 4 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh viện TWQĐ 108. Tại đây các bác sĩ đã thăm khám và tiến hành nội soi đại tràng phát hiện giun đũa dài hơn 20cm kí sinh. Các bác sĩ đã tiến hành lấy giun ra khỏi đại tràng một cách thuận lợi.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp đến khám phát hiện ra giun đũa với các biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Giun đũa từ đâu mà có?
Trứng giun thường có trong đất, rau sống, nước uống nhiễm bẩn. Nếu người ăn phải trứng giun ở thực phẩm chưa được xử lý sạch, trứng sẽ nở thành ấu trùng trong ruột và phát triển thành giun trưởng thành. Giun có thể di chuyển trong cơ thể, gây tắc ruột, viêm ruột, thậm chí chui vào ống mật gây biến chứng nguy hiểm.
Không ăn gỏi cá, tiết canh, đồ tái sống để phòng nhiễm giun sán
Tình trạng nhiễm giun tùy thuộc vào tập quán vệ sinh cá nhân và sử dụng phân bón trồng hoa màu. Nghề nghiệp cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ giun đũa, nghề nông nghiệp có tỉ lệ nhiễm cao hơn các nghề khác
Đường lây nhiễm thường được ghi nhận là trứng giun lây nhiễm vào người qua đường tiêu hóa qua rau sống, quả tươi nước lã, thức ăn bị ô nhiễm...hoặc lây nhiễm qua việc thường xuyên chơi đùa đất chung quanh nhà.
Trứng giun đũa có sức đề kháng cao với các yếu tố lý hóa của môi trường. Hóa chất ở các nồng độ thường dùng chlor 2%, formol 2% không diệt được trứng giun đũa. Trứng có thể tồn tại được trong nước đến 5 – 7 năm trong đất vườn có bóng mát.
Triệu chứng của nhiễm giun đũa
Đa số các trường hợp nhiễm giun nhẹ thường không có triệu chứng nhưng đôi khi nhiễm 1 con giun duy nhất cũng có thể gây áp xe gan hay làm tắc ống dẫn mật. Triệu chứng cấp tính tương ứng với lượng giun bị nhiễm và triệu chứng nặng có thể xảy ra khi số lượng giun nhiều và triệu chứng nặng có thể xảy ra khi số lượng giun lên tới hàng trăm con.
Thời kỳ ủ bệnh từ lúc trứng được nuốt vào cơ thể cho đến khi trứng bắt đầu xuất hiện trong phân là 60 – 70 ngày. Triệu chứng ở phổi do ấu trùng di chuyển xuất hiện vào ngày 4 -16 sau khi bị nhiễm.
Bệnh do ấu trùng giun đũa
Trong quá trình di chuyển ấu trùng gây ra viêm phổi vào ngày thứ 4 – 14 sau khi được nuốt vào, triệu chứng gồm có sốt, ho, ho có đờm, thâm nhiễm ở phổi. Bạch cầu toan tính (BCTT) tăng cao và có thể tìm thấy ấu trùng trong đờm hoặc dịch tá tràng. Viêm phổi không kéo dài chỉ khoảng 3 tuần.
Trong quá trình chu du, ấu trùng có thể gây triệu chứng: rối loạn thần kinh (co giật, kích thích màng não và động kinh...) phù mí mắt mất ngủ và nghiến răng ban đêm. Ở một vài trường hợp khi ấu trùng đi lạc lên não, nó gây chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh. Các triệu chứng có thể bao gồm nhức đầu, động kinh, liệt nửa người...
Bệnh do giun đũa trưởng thành
Tại ruột thường gặp rối loạn tiêu hóa, viêm ruột già và nôn ói. Nếu nhiễm nặng, biểu hiện chủ yếu là tắc ruột, thường xảy ra ở trẻ em, có trường hợp bắt được 100 con giun ở 1 bệnh nhân.
Ngoài ruột, do giun di chuyển lạc chỗ: Giun trưởng thành có khuynh hướng di chuyển khi môi trường sống của nó bị xáo trộn. Bệnh nhân dùng thuốc tetrachloethylen, bị gây mê hay bị sốt, chúng di chuyển và đi lạc chỗ vào ống mật, ruột thừa, xung quanh hậu môn và ống eustache. Chúng có thể gây xoắn ruột và hoại thư ruột, thủng ruột và viêm phúc mạc, viêm tụy viêm ống mật có mủ, áp xe gan, viên túi mật cấp và vàng da tắt mật. Một số trường hợp có thể thấy giun trong phân hoặc được phát hiện khi nội soi.
Do vậy, nếu có các biểu hiện đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn. Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Buồn nôn, sụt cân, thiếu máu… cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Làm sao để phòng tránh giun đũa?
Phòng bệnh giun đũa cũng như giun sán dựa trên vệ sinh cá nhân, xử lý phân hợp vệ sinh, giáo dục sức khỏe và điều trị những người bị nhiễm. Cần chú ý tới rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau sống trước khi ăn. Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho cả gia đình. Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có triệu chứng tiêu hóa kéo dài cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Tóm lại: Nhiễm giun sán có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe nếu không được phát hiện sớm. Nếu chưa tẩy giun trong vòng 6 tháng qua, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
BS. Nguyễn Mai Loan