Số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục.
Nhật Bản - một trong số nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang dần mất đi động lực tăng trưởng, mà một trong những nguyên nhân chính là tình trạng già hóa dân số, dẫn tới giảm năng suất của nền kinh tế.
Năm 2023, tỷ lệ sinh nói chung của Nhật Bản (số trẻ em mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời) là 1,2 - mức thấp nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 727.277 ca sinh; cũng là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu thống kê vào năm 1899. Với tỷ lệ sinh giảm, dân số Nhật Bản già đi nhanh hơn. Tính đến tháng 10/2024, số người từ 65 tuổi trở lên đã gần mức 36,5 triệu người, mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 29,3% dân số. Người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên (20,76 triệu người) chiếm 16,8% dân số.
“Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn “dân số già”, còn gọi là giai đoạn “dân số đã già”, là tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. “Dân số siêu già” sẽ có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên. Với tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt xa mức 29,3% dân số, có thể khẳng định Nhật Bản đã rơi vào tình trạng “dân số siêu già”. Điều đó có nghĩa là khủng hoảng nhân khẩu của Nhật Bản rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.
Kể từ năm 2017, Hiệp hội Lão khoa Nhật Bản đã đề xuất định nghĩa lại người cao tuổi là 75 tuổi trở lên, thay vì 65 tuổi. Đề xuất này nhận dược sự ủng hộ rộng rãi và trên thực tế chính quyền đã yêu cầu các công ty phải đảm bảo việc làm cho đến khi người lao động đạt 65 tuổi và phải tạo cơ hội việc làm cho nhân viên đến năm họ 70 tuổi nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc.
Một nghiên cứu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, hiện số người trong độ tuổi từ 65-69 tuổi vẫn làm việc bình thường là 52% (với khoảng 6,5 triệu người). Đáng chú ý, khoảng 30% tài xế taxi và xe buýt trong ngành vận tải 65 tuổi trở lên. Con số đó là 10% trong lĩnh vực hoạt động bán lẻ
Tất nhiên không chỉ Nhật Bản mà nhiều quốc gia cũng đang thay đổi chính sách để đối phó với tình trạng già hóa dân số, nhất là các quốc gia châu Âu. Còn với châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.
Tại Singapore, chính phủ đảo quốc sư tử đã đầu tư đáng kể vào các sáng kiến học tập suốt đời để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Từ 2014, nước này cung cung cấp cho mỗi người dân từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng mở đầu 500 USD và được bổ sung định kỳ để họ tham dự các khóa học kỹ năng phát triển bản thân. Với người trên 65 tuổi cũng vậy, họ được nhận một khoản tín dụng định kỳ để không bị lỗi thời với cuộc sống hiện đại, mà vẫn có thể sóng bước. Vì thế ở Singapore, người ta không ngạc nhiên khi thấy người cao tuổi vẫn làm việc việc chung với người trẻ, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao.
Hiện Nhật Bản được coi là có hệ thống nhà dưỡng lão vào bậc nhất thế giới, do xuất phát từ quan niệm đầu tư vào dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là một cách tốt nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và đóng góp tích cực cho xã hội. Hệ thống dưỡng lão của Nhật Bản có một số đặc điểm nổi bật như sau:
- Tôn trọng người cao tuổi khi đánh giá cao sự đóng góp của họ cho xã hội vì thế họ cần được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tốt nhất.
- Tập trung vào sức khỏe: Trong hệ thống dưỡng lão tại Nhật Bản, việc tập trung vào sức khỏe của người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu. Các trung tâm dưỡng lão có chế độ dinh dưỡng cân bằng và các chương trình thể dục thể thao thích hợp để giúp người già giữ sức khỏe tốt.
- Đào tạo và phát triển nhân viên chăm sóc: Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển các nhân viên chăm sóc để cung cấp các dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người già.
Nhân viên phục vụ nhà dưỡng lão ở Nhật Bản thường được gọi là "kaigo" hoặc "kaigo-shoku" theo tiếng Nhật. Từ "kaigo" có nghĩa là "chăm sóc" hoặc "chăm sóc người khác"; "shoku" có nghĩa là "công việc" hoặc "nghề nghiệp". Do đó, "kaigo-shoku" có nghĩa là "nghề chăm sóc người khác".
Cùng với đội ngũ kaigo-shoku, trong nhà dưỡng lão ở Nhật Bản còn có nhân viên y tế, là những người có trình độ chuyên môn y tế, được cấp phép và có nhiệm vụ chăm sóc y tế cho người cao tuổi, bao gồm đo huyết áp, tiêm phòng, phát thuốc, và chăm sóc sức khỏe toàn diện; Nhân viên giáo dục và giải trí: có trách nhiệm cung cấp các hoạt động giải trí, vui chơi và giáo dục cho người cao tuổi nhằm giúp họ tăng cường sức khỏe tinh thần; Nhân viên vệ sinh: có trách nhiệm vệ sinh, lau chùi và khử trùng các khu vực trong nhà dưỡng lão để đảm bảo môi trường sống an toàn và sạch sẽ cho người cao tuổi; Nhân viên quản lý: có trách nhiệm quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của nhà dưỡng lão, bao gồm quản lý tài chính, quản lý nhân sự, lập kế hoạch và đảm bảo hoạt động của nhà dưỡng lão được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Họ còn có trách nhiệm liên kết với bệnh viện để cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi.
Đó là với người cao tuổi, còn với người trẻ thì sao? Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), ngay từ bây giờ thế hệ trẻ cần có những công cụ và kỹ năng để hoạch định tương lai, từ đó mới có sự chuẩn bị cho tuổi già, đặc biệt là vấn đề tài chính cho bản thân, gia đình để có thể sống an yên lúc tuổi cao sức yếu.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) dự báo, đến năm 2050, dân số từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi và chạm mức 2,1 tỷ người. Hiện thế giới có khoảng 708 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,1% tổng dân số. Hiện số người cao tuổi ở khu vực ASEAN là gần 50 triệu người, trong đó số người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số khu vực ASEAN. Đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ đạt mức 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số khu vực ASEAN.
THẾ TUẤN