Sức mạnh của Tu-160M2 nâng cấp không chỉ nằm ở kho vũ khí khổng lồ và mạnh mẽ của máy bay ném bom cấp chiến lược này, mà còn là khả năng chiến đấu mạnh mẽ nhờ tích hợp các trang bị điện tử hàng không hiện đại do Nga tự phát triển kể từ khi Liên Xô tan vỡ.
“Thiên nga trắng” hồi sinh
Những năm gần đây, “Thiên nga trắng” Tu-160 đang trải qua giai đoạn nâng cấp quy mô lớn, thậm chí có thể nói là phát triển lại một phiên bản gần như mới hoàn toàn khi phiên bản Tu-160M thực tế chỉ còn sử dụng khung thân và hình dáng của phiên bản tiền nhiệm.
Năm 2015, giới chức quân sự Nga quyết định nối lại sản xuất dòng máy bay ném bom chiến lược này tại Nhà máy chế tạo hàng không Kazan mang tên S.P. Gorbunov. Những máy bay mới được lắp ráp có mã định danh là Tu-160M2. Bên cạnh đó, các phi đội máy bay Tu-160 cũng đang được hiện đại hóa. Các máy bay đã trải qua chu kỳ nâng cấp tại nhà máy được đặt tên là Tu-160M.
Tu-160M/M2 được tạo ra dựa trên yêu cầu về chiến lược tác chiến hạt nhân mới của Nga trong thế kỷ 21. Ảnh: Lenta
Theo đánh giá của các chuyên gia, những nâng cấp của “Thiên nga trắng” Tu-160 của cả 2 biến thể đều được thống nhất theo một tiêu chuẩn chung. Cả 2 biến thể của máy bay Tu-160 đều được trang bị các thiết bị điện tử hàng không, radar hàng không, hệ thống thông tin liên lạc và tác chiến điện tử hiện đại.
Ngoài ra, những chiếc Tu-160 hiện đại hóa được trang bị động cơ phản lực NK-32 cải tiến giúp tăng tuổi thọ và mở rộng tầm bay thêm 1.000km.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Drozdenko cho rằng, việc tiếp tục sản xuất và khởi động chương trình hiện đại hóa Tu-160 là một quyết định phù hợp: “Tu-160 là một nền tảng chiến đấu không hề lỗi thời... Để đảm bảo khả năng chiến đấu cao hơn nữa của phương tiện, nó cần được trang bị động cơ, thiết bị điện tử và vũ khí tiên tiến hơn”.
Đánh giá về phiên bản nâng cấp, chuyên gia hàng không quân sự Nga Alexey Leonkov khẳng định, nhờ hệ thống tác chiến điện tử mới nhất, “Thiên nga trắng” Tu-160M/M2 có khả năng hoạt động không giới hạn, cũng như khả năng sống sót cao hơn trong môi trường tác chiến hiện đại. Ngoài ra, việc tích hợp rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số vào máy bay giúp tăng đáng kể mức độ tự động hóa quy trình điều khiển.
“Trong tương lai, những chiếc máy bay này sẽ thay thế dòng Tu-95 và Tu-160 lỗi thời. Vũ khí chính của “Thiên nga trắng” sẽ là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân”, chuyên gia Alexey Leonkov nhấn mạnh. Nhờ quá trình hiện đại hóa đang tiến hành hiện nay, quân đội Nga sẽ gia tăng sức mạnh của lực lượng hàng không tầm xa, là thành phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Các lực lượng vũ trang Nga.
Động lực để Nga nâng cấp “Thiên nga trắng”
Đánh giá về máy bay Tu-160 nâng cấp của Nga, chuyên gia Brandon Weichert của Tạp chí The National Interest cho rằng, chính xung đột Đông Tây với đỉnh điểm là cuộc chiến tại Ukraine hiện tại đã khiến Nga áp dụng một chương trình hiện đại hóa nhanh chóng, với tốc độ đáng kinh ngạc, bất chấp vô số lệnh trừng phạt đang được áp đặt.
Và việc nâng cấp máy bay ném bom chiến lược Tu-160M/M2 chính là kết quả của quá trình đó. Về mặt vũ khí, Tu-160M là phương tiện chiến đấu đáng gờm. Máy bay ném bom này có thể mang theo 12 tên lửa hành trình, bao gồm Kh-55 và các tên lửa Kh-101 và Kh-102 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tất cả các loại tên lửa hành trình này đều đã được nâng cấp và có khả năng tàng hình tốt hơn do diện tích phát tán hiệu quả giảm để xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương.
Xung đột tại Ukraine chính là nơi "Thiên nga trắng" nâng cấp thể hiện sức mạnh chiến đấu. Ảnh: Lenta
Tu-160M đã kết hợp một số cải tiến về mặt cơ khí. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Cục Thiết kế Tupolev đã cải tiến hệ thống điện tử hàng không, dẫn đường và tác chiến điện tử của máy bay. Máy bay hiện được áp dụng những cải tiến công nghệ độc đáo, bao gồm hệ thống radar Novella, cũng như thiết bị kháng nhiễu, cung cấp cho phi công không chỉ khả năng nhận thức tình huống đáng kinh ngạc mà còn khả năng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương để tung đòn tấn công chết người bằng vũ khí không đối đất mạnh mẽ. Tu-160M gần đây xuất hiện nhiều tại Bắc Cực, nơi được Nga coi là ưu tiên chiến lược.
Theo chuyên gia Brandon Weichert, Washington đã phạm sai lầm khi duy trì chế độ thù địch với Nga kể từ khi Liên Xô tan vỡ. Điều này khiến Moscow tập trung phát triển các loại vũ khí phòng thủ cấp chiến lược, nhất là từ đầu những năm 2000.
“Ý tưởng này đã hình thành nên cơ sở chính sách đối ngoại của Mỹ tại Âu Á trong 30 năm qua. Sự tiến hóa của Tu-160M mạnh mẽ là một ví dụ khác cho thấy chiến lược của Mỹ đã sai lầm như thế nào. Kết quả là người Mỹ đã mất đi sự an toàn tưởng như đã có trong tầm tay”, chuyên gia Brandon Weichert đánh giá.
TUẤN SƠN (tổng hợp)