Hình ảnh về mạng lưới trạm hạ âm tại trạm hạ âm IS49, Tristan da Cunha, Vương quốc Anh.
Trong khi việc theo dõi rác vũ trụ xâm nhập khí quyển Trái Đất luôn gặp khó khăn, đặc biệt ở những khu vực xa xôi, các nhà khoa học lại tìm ra giải pháp từ một công nghệ tưởng như lỗi thời: hệ thống cảm biến hạ âm (infrasound) được lắp đặt từ thời Chiến tranh Lạnh.
Mạng lưới cảm biến này vốn được triển khai để phát hiện sóng âm từ các vụ thử hạt nhân, hiện do Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) vận hành. Với độ nhạy cực cao, các cảm biến này có thể ghi nhận âm thanh từ hàng nghìn km, bất kể thời tiết.
Ngày nay, chúng không chỉ ghi nhận các vụ nổ hạt nhân mà còn phát hiện âm thanh do thiên thạch lớn hoặc vệ tinh hỏng tạo ra khi vỡ vụn trong khí quyển. Đây là dữ liệu quan trọng giúp theo dõi và phân tích quỹ đạo rơi của rác vũ trụ.
Nhà khoa học Elizabeth Silber của Mỹ cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển mô hình tính toán BIBEX-M nhằm phân tích dữ liệu âm thanh và xác định đường bay của các vật thể ngoài không gian khi rơi xuống.
Dựa vào thời điểm sóng âm đến các trạm khác nhau, nhóm thực hiện phương pháp tam giác hóa để truy vết chính xác.
Kết quả cho thấy: với góc nhập khí quyển dốc (trên 60°), hệ thống cho độ chính xác cao; nhưng với góc nông, sai số tăng lên và đây là điểm cần tiếp tục cải tiến.
Việc xác định chính xác đường bay của rác vũ trụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó và phòng ngừa thiệt hại.
Khi số lượng vật thể nhân tạo trong không gian ngày càng tăng – theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), hiện có khoảng 130 triệu mảnh rác lớn hơn 1 mm – nguy cơ chúng rơi xuống Trái Đất ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, việc tận dụng lại công nghệ cũ cho mục đích mới không chỉ tiết kiệm mà còn mở ra hướng tiếp cận hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh khỏi hiểm họa từ trên trời rơi xuống.
Theo IE
Hải Yến