Một bệnh nhân ngộ độc do hút thuốc lá điện tử
Theo Bộ Y tế, ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại. Được biết, sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành tại Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực cho các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và đơn vị nhằm triển khai hiệu quả Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Sự đồng hành này đã tạo động lực thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai toàn diện, từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều địa phương như Hạ Long, Hội An, Huế... đã tiên phong xây dựng các mô hình môi trường không khói thuốc, đặc biệt là thành phố du lịch không khói thuốc, qua đó khẳng định sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Riêng trong năm 2024, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ 93 cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động trọng điểm, bao gồm việc thực thi quy định về môi trường không khói thuốc, tăng cường truyền thông đa dạng nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, đặc biệt tại khu vực nông thôn nơi tỷ lệ hút thuốc vẫn còn cao. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá được đẩy mạnh, đồng thời các nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá và giải pháp chuyển đổi cây trồng tại các vùng trồng thuốc lá tiếp tục được chú trọng.
PV