Thiệt hại kinh tế nặng nề khi vùng đất ngập nước biến mất

Thiệt hại kinh tế nặng nề khi vùng đất ngập nước biến mất
13 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Công ước về Đất ngập nước được công bố hôm 15/7 (theo giờ địa phương), việc phá hủy các vùng đất ngập nước trên toàn cầu, vốn hỗ trợ nghề cá, nông nghiệp và kiểm soát lũ lụt, có thể đồng nghĩa với việc mất đi 39 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế vào năm 2050.
Theo báo cáo liên chính phủ, khoảng 22% vùng đất ngập nước, trong đó có các hệ thống nước ngọt như đất than bùn, sông hồ và các hệ thống biển ven bờ bao gồm rừng ngập mặn và rạn san hô, đã biến mất kể từ năm 1970, đây là tốc độ mất mát nhanh nhất của bất kỳ hệ sinh thái nào.
Những áp lực như thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm, mở rộng nông nghiệp, các loài xâm lấn và tác động của biến đổi khí hậu - chẳng hạn như mực nước biển dâng cao và hạn hán - đang thúc đẩy sự suy giảm này. "Quy mô mất mát và suy thoái vượt quá mức chúng ta có thể bỏ qua" - ông Hugh Robertson, tác giả chính của báo cáo cho biết.
Báo cáo kêu gọi đầu tư hàng năm từ 275 tỷ đến 550 tỷ USD để đảo ngược các mối đe dọa đối với các vùng đất ngập nước còn lại và cho biết, chi tiêu hiện tại là "thiếu hụt đáng kể" mà không đưa ra con số cụ thể.
Theo báo cáo, thế giới đã mất 411 triệu ha đất ngập nước và 1/4 số đất ngập nước còn lại hiện được phân loại là đang trong tình trạng suy thoái. Những lợi ích kinh tế của đất ngập nước bao gồm điều tiết lũ lụt, lọc nước và lưu trữ carbon - những yếu tố then chốt khi mực nước dâng cao và các cơn bão nhiệt đới và bão cuồng phong gia tăng do biến đổi khí hậu. Chúng cũng hỗ trợ ngành thủy sản và nông nghiệp, đồng thời mang lại lợi ích văn hóa.
Báo cáo được công bố một tuần trước cuộc họp được tổ chức 3 năm một lần của các bên tham gia Công ước về Đất ngập nước tại Thác Victoria, Zimbabwe - một thỏa thuận toàn cầu của 172 quốc gia được ký kết vào năm 1971 nhằm đi đầu trong việc bảo tồn hệ sinh thái. Trung Quốc, Nga và Mỹ là các bên của nhóm này nhưng chưa rõ liệu tất cả các quốc gia có cử đại biểu tham dự hay không.
Theo báo cáo, tình trạng suy thoái đất ngập nước đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, nhưng đang trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các dự án phục hồi đang được tiến hành ở các quốc gia bao gồm Zambia, Campuchia và Trung Quốc.
Hà Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thiet-hai-kinh-te-nang-ne-khi-vung-dat-ngap-nuoc-bien-mat-10310428.html