Nêu quan điểm vì sao phải thiết kế "luồng xanh" cho các dự án đầu tư công nghệ cao, các dự án ưu tiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, một trong những mong muốn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề xuất để thúc đẩy cơ hội hợp tác tại Việt Nam chính là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện, việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có thu hút đầu tư công nghệ cao đang thực hiện theo các thủ tục thông thường về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… mất nhiều thời gian.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: NHẬT BẮC
Trong khi đó, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư trong thực tiễn đã bộc lộ một số bất cập, gây vướng mắc, khó khăn. Do đó Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quan điểm xây dựng dự thảo luật lần này là tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.
Điểm nổi bật trong luật sửa đổi các quy định về quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư PPP, đấu thầu lần này là bổ sung một loạt quy định “luồng xanh” trong cấp phép dự án đầu tư ưu tiên, lập quỹ hỗ trợ đầu tư, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, tài nguyên.
Theo đó, luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các ban quản lý để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 15 ngày.
Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy, dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư dự án khoảng 260 ngày.
Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với nhiều dự án công nghệ cao. Ảnh: ĐAN THANH
Việc sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư lần này cũng bổ sung quy định về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ các nguồn hợp pháp để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Để hạn chế tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên, việc sửa đổi luật cũng sẽ ban hành quy định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm.
Giới chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc đề xuất xây dựng quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt thể hiện tinh thần chuyển đổi tư duy vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển của Chính phủ; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
VŨ DUNG