Thiết lập đoàn kết quốc tế với 'tứ nhiếp pháp' và 'lục hòa' của Phật giáo

Thiết lập đoàn kết quốc tế với 'tứ nhiếp pháp' và 'lục hòa' của Phật giáo
3 giờ trướcBài gốc
Nhân Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 vừa diễn ra, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chia sẻ trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những mâu thuẫn và chia rẽ, tinh thần đoàn kết - hòa hợp là điều kiện tiên quyết để duy trì sự ổn định, phát triển bền vững.
Phật giáo với tinh thần "lục hòa" và bộ nguyên tắc "tứ nhiếp pháp" đi vào lòng người. Ảnh: Đăng Huy
Hòa thượng cho biết Phật giáo đề xuất một bộ nguyên tắc quan trọng gọi là “tứ nhiếp pháp”, hay 4 phương pháp để thu phục nhân tâm, có thể được áp dụng từ cấp độ cá nhân, cộng đồng đến quan hệ giữa các quốc gia.
Tứ nhiếp pháp trong giải quyết các vấn đề
"Các nguyên tắc này bao gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự để tạo ra nền tảng cho sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình toàn cầu" - Hòa thượng nói.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, bố thí trong Phật giáo không chỉ giới hạn ở việc cho đi vật chất, mà còn bao hàm cả sự hỗ trợ tinh thần, kiến thức.
"Trong bối cảnh quốc tế, tinh thần rộng lượng và sẻ chia có thể được thể hiện qua sự viện trợ nhân đạo của những quốc gia phát triển cho nước nghèo hơn trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, và an sinh xã hội".
Hòa thượng dẫn chứng là Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi nạn đói; chương trình COVAX đã giúp phân phối vắc xin đến các quốc gia nghèo, thể hiện tinh thần bố thí ở quy mô toàn cầu.
Bên cạnh đó, ái ngữ trong giao tiếp thể hiện ở việc đối xử với nhau bằng lời nói dịu dàng, hòa nhã. Hòa thượng khẳng định trong mối quan hệ quốc tế, việc các quốc gia sử dụng ngôn ngữ hòa bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp xây dựng mối quan hệ ngoại giao vững mạnh. Các cuộc đàm phán, thương thảo và đối thoại giữa các quốc gia cần phải được thực hiện với tinh thần tôn trọng và hòa hợp.
Hòa thượng Thích Gia Quang đề nghị: "Các lãnh đạo quốc gia cần cẩn trọng trong cách phát ngôn, tránh kích động thù hận hoặc làm gia tăng chia rẽ chính trị".
Nhìn khía cạnh "lợi hành" - hợp tác vì lợi ích chung, Hòa thượng cho rằng các quốc gia nên hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề chung như biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
"Thế giới cần chung tay giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ thiên nhiên. Đây là một vấn đề không thể giải quyết nếu thiếu sự hợp tác của tất cả các bên. Điển hình như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement) là một minh chứng về sự hợp tác quốc tế trong việc giảm khí thải CO₂ và hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên" - Hòa thượng phân tích.
Ngoài ra, yếu tố "đồng sự" - cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, không phân biệt quốc gia, sắc tộc hay giai cấp - cũng cần được nâng cao.
Hòa thượng Thích Gia Quang tại họp báo về Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Vị Hòa thượng Phó chủ tịch nhấn mạnh trong thế giới hiện đại, sự đồng lòng giữa các quốc gia có thể giúp giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế và đối thoại hơn nữa, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, tập trung vào đối thoại và thương thảo thay vì đối đầu.
"Phải có một sự thừa nhận rằng, các vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ" - Hòa thượng lưu ý.
"Lục hòa" trong ngoại giao
Cùng với "tứ nhiếp pháp", Hòa thượng Thích Gia Quang còn đề xuất 6 nguyên tắc hòa hợp (lục hòa) mà đức Phật dạy. Những nguyên tắc này được ca ngợi là "đem lại tình thương yêu, kính trọng, thuận thảo, hòa hợp, không tranh chấp và đoàn kết".
Theo Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, "lục hòa" nhấn mạnh đến lòng tử tế đối với nhau, cách hành xử thiện lành. Việc chia sẻ những gì thu nhận được làm cho những nguyên tắc này trở thành phương cách đối trị với chủ nghĩa cá nhân và lòng ích kỷ có thể chia rẽ và xé rách cộng đồng.
"Nếu các quốc gia trên phương diện hợp tác có thể áp dụng pháp lục hòa làm quy chiếu, thế giới sẽ có khả năng lớn hơn được duy trì bình ổn hòa bình" - Hòa thượng khẳng định.
Cụ thể, "thân hòa cùng ở" - hòa bình, tôn trọng chủ quyền và hợp tác quốc tế - chính là sự hòa hợp trong cách thức cư xử và tương tác giữa mọi người, giữa các quốc gia. Điều này thể hiện ở việc các quốc gia nên sống hòa bình, không có sự xâm lấn, và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế. Các quốc gia phải có trách nhiệm đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của thế giới, sống hòa bình và bảo vệ nhau trong các vấn đề bảo vệ hòa bình toàn cầu.
Hòa thượng nói thêm, một thế giới hòa bình là khi các quốc gia “cùng ở” với nhau trong sự tôn trọng.
Pháp lục hòa không chỉ là nguyên tắc dành cho cộng đồng Tăng đoàn, mà còn có thể trở thành nền tảng đạo đức cho quan hệ quốc tế. Nếu các quốc gia áp dụng thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa và lợi hòa, thế giới sẽ có nhiều cơ hội hơn để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Hòa thượng Thích Gia Quang
Kế đến là "miệng hòa không tranh cãi" - ngoại giao hòa bình và đối thoại. Ngài cho rằng lời nói không dùng cho mục đích gây mâu thuẫn, mà cần được sử dụng khéo léo để tạo nên sự hòa hợp. Các quốc gia cần giữ sự tôn trọng trong giao tiếp, tránh lời nói căng thẳng hoặc công kích lẫn nhau.
Theo đó, các quốc gia cần thảo luận, thương lượng trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, giải quyết xung đột bằng các cuộc đàm phán hòa bình thay vì chiến tranh. "Giáo dục về hòa bình và đoàn kết cũng là yếu tố thiết yếu cho mỗi quốc gia".
Còn về "ý hòa cùng vui" - giữ thái độ tích cực và hợp tác đa phương, theo Hòa thượng, giữ tâm trí thanh thản, không mang những ý nghĩ xấu, không phân biệt, không chia rẽ mà thay vào đó là sự đồng thuận và vui vẻ.
"Mỗi quốc gia cần duy trì một thái độ hòa hợp, trung lập. Nguyên tắc này nhấn mạnh đến thái độ hòa nhã, không phân biệt, không chia rẽ. Trong quan hệ quốc tế, thái độ hòa hợp giúp các nước có thể cùng nhau tìm kiếm giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu" - Hòa thượng diễn giải.
Thứ tư, "kiến hòa đồng giải" là giải quyết xung đột bằng đồng thuận. Theo Hòa thượng, việc này thể hiện trong sự cùng nhau tìm kiếm tiếng nói chung một cách hài hòa, đồng thuận về chính sách đối ngoại và các thỏa thuận quốc tế.
"Tìm kiếm tiếng nói chung và đồng thuận là cách duy nhất để giải quyết các xung đột lâu dài. Khi các quốc gia có thể lắng nghe lẫn nhau, tìm giải pháp hòa giải, thế giới sẽ tránh được chiến tranh".
Tinh thần đó không chỉ ở phương diện đối ngoại mà cũng cần trong đối nội. Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định phải có những nỗ lực để xóa bỏ sự phân hóa giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp xã hội. Việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các nhóm này sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng và xây dựng một xã hội ổn định và hòa bình.
"Chính phủ và các tổ chức xã hội cần phát động các phong trào tôn vinh sự đa dạng và khuyến khích sự hòa nhập trong cộng đồng" - Hòa thượng nói.
Trong khi đó, "giới hòa cùng tu" là xây dựng chuẩn mực đạo đức toàn cầu. Trên bình diện toàn cầu, Hòa thượng khuyến khích các quốc gia có cách ứng xử thuận theo những nguyên tắc đạo đức chung, cùng thực hành những hành vi lành mạnh, có ích cho cộng đồng và xã hội. Các quốc gia cần đồng lòng thực hiện các chuẩn mực đạo đức, pháp lý, và kinh tế để xây dựng một cộng đồng toàn cầu văn minh, hòa hợp.
"Các quốc gia cùng xây dựng các nguyên tắc, luật lệ chung như nhân quyền, bảo vệ quyền lợi của người lao động hay thực thi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Việc tuân thủ các điều ước quốc tế chính là việc các quốc gia cùng 'tu' theo những chuẩn mực đạo đức chung, làm gương cho cộng đồng quốc tế" - Hòa thượng Gia Quang bày tỏ.
Cuối cùng, "lợi hòa cùng chia sẻ" tức là công bằng kinh tế và hợp tác phát triển. Cụ thể, đó là chia sẻ tài sản, lợi ích và nguồn lực một cách công bằng và hợp lý, không phân biệt, không tham lam.
"Các quốc gia nên biết san sẻ tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và nguồn lực để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các quốc gia, giúp đỡ các quốc gia còn chậm phát triển. Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế và xã hội, các quốc gia cần tạo ra các chính sách công bằng hơn, thúc đẩy việc hỗ trợ lẫn nhau.
Điều này có thể bao gồm việc giảm bớt sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo thông qua việc hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các quốc gia đang phát triển để họ có thể tự phát triển bền vững" - Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Lưu Đình Long
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thiet-lap-doan-ket-quoc-te-voi-tu-nhiep-phap-va-luc-hoa-cua-phat-giao-2403173.html