Bất cứ ai quen thuộc với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ đều biết có đến 2 nhân vật chính trong lễ hội này. Một là thiên thần và một là nhân thần. Thiên thần chính là Chúa Xứ Thánh Mẫu - nhân vật tâm linh, huyền bí, hiện hữu bằng nhiều truyền thuyết và trong sự tín ngưỡng của người dân. Nhân thần Thoại Ngọc Hầu là một nhân vật có thật, mệnh quan của triều đình nhà Nguyễn, người có công tổ chức đắp đường, đào kinh, mở mang xóm ấp, phát triển sản xuất, bảo vệ biên cương, đem lại an lành và sung túc cho cuộc sống của Nhân dân.
Lễ thỉnh sắc là nghi lễ thỉnh bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu, bà chánh Châu Thị Tế, bà thứ Trương Thị Miệt từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hai địa điểm cách nhau vài chục bước chân. Sử sách ghi nhận, chánh phu nhân Châu Thị Tế đã cho lập miếu thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam. Đến trước điện thờ Thoại Ngọc Hầu, mọi người dâng hoa, niệm hương tế lễ.
Đoàn rước bao gồm nhiều thành phần như: Lân, trống, ban tế lễ, Ban Quản trị Miếu Bà, đại diện chính quyền địa phương… Cùng với đó là chiếc long đình sơn son thếp vàng, điểm nhấn quan trọng trong đoàn rước, biểu tượng cho sự uy nghi và trang trọng.
Sau phần nghi thức, đoàn thỉnh 3 sắc lên long đình về miếu. Tiếng trống, nhạc rộn rã xua tan chiều mưa tháng tư.
Việc thỉnh các bài vị này về miếu không chỉ là một nghi thức tưởng nhớ, tôn vinh danh thần Thoại Ngọc Hầu, mà còn là cầu nối cho các vị thần linh cùng nhau phù hộ cho người dân.
Bài vị khi thỉnh về miếu sẽ được đặt lên bàn thờ phía trước chánh điện. Sau đó, đại diện lãnh đạo địa phương, Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam, các thành phần tham dự lần lượt nguyện hương làm lễ tọa vị.
Hoạt động thu hút đông đảo người dân tham quan, chiêm bái. Họ hòa nhập vào Lễ hội Vía Bà với sự thành kính nhất đối với cả 2 thực thể tối thượng trong tâm thức: Bà Chúa Xứ và Thoại Ngọc Hầu.
GIA KHÁNH