Thịt lợn, rau xanh đắt hàng trước giờ bão số 3 Wipha đổ bộ đất liền

Thịt lợn, rau xanh đắt hàng trước giờ bão số 3 Wipha đổ bộ đất liền
8 giờ trướcBài gốc
Rau xanh tăng giá nhẹ
Ghi nhận của phóng viên Báo CAND sáng 22/7 tại một số chợ truyền thống cho thấy, người dân đi chợ sớm hơn thường lệ, tranh thủ lúc trời chưa mưa. Lượng tiểu thương hoạt động tại các chợ giảm đáng kể do nhiều người nghỉ bán, dẫn tới nguồn hàng bày bán ít hơn. Các mặt hàng thịt, cá vẫn giữ giá ổn định nhưng tiêu thụ nhanh hơn do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung tại chợ giảm. Tuy nhiên, về cơ bản nguồn cung vẫn ổn định, không có hiện tượng khan hàng hay tăng giá đột biến.
Thịt bò đắt hàng.
Song, đối với mặt hàng rau xanh, do nhiều người bán nghỉ chợ tránh bão nên lượng rau đổ về các chợ không nhiều và mấy hôm nay giá rau xanh, củ quả đã tăng nhẹ.
Theo đó, cà chua 20 nghìn đồng/1kg; khoai tây 17 nghìn đồng/1kg; cải bắp 15 nghìn đồng/1kg; rau ngót 12-15 nghìn đồng/1 mớ; mùng tơi 10 nghìn đồng/1 mớ; dưa chuột 20 nghìn đồng/1kg; bí xanh, bí đỏ 18-20 nghìn đồng/1kg… “Mỗi loại đều tăng từ 2-5 nghìn đồng/1kg, nhập hàng tăng theo ngày thì bán ra cũng tăng. Giá rau xanh thường bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, nguồn cung ít hơn, người bán ít hơn, nhập tăng lên nên giá cũng tăng theo”, chị Nguyễn Trinh tiểu thương bán rau của quả cho biết.
Rau xanh bán chạy và tăng giá nhẹ.
Chị Nguyễn Nga (phường Phú Lương) cho biết, rau muống nay tôi mua 12 nghìn đồng/1 mớ, trong khi ngày thường 10 nghìn đồng. “Ảnh hưởng của mưa bão, giá rau xanh tăng hơn chút ít. Giá thịt lợn, thịt bò vẫn như ngày thường không có biến động gì. Nhưng trong 1-2 ngày ảnh hưởng của mưa bão, gia đình cũng chỉ mua đủ dùng chứ không tích trữ", chị Nga cho biết.
Cùng với đó, chị Thu Giang bán thịt gà cho biết, dân mua hàng tránh bão, bà con tiểu thương đắt hàng, hết sớm. Nay đi chợ 8h đã hết hàng. Chợ đông vào sáng sớm, khi trời chưa mưa. Mai mà mưa to thì tôi cũng nghỉ chợ”, chị Giang cho hay.
Trứng cũng đắt hàng.
Từ chiều tối qua, 21/7, nhiều người dân cũng tới mua sắm ở các siêu thị đông hơn, các kệ hàng liên tục được bổ sung. Chị Nguyễn Linh (phường Đống Đa) cho biết, tối qua tại siêu thị Winmart Vũ Trọng Phụng người dân tới mua hàng rất đông. Trên kệ rau chỉ còn lại rất ít, người dân xếp hàng chờ thanh toán.
Các cửa hàng bánh mỳ đông người mua.
Siêu thị đầy ắp hàng hóa chờ người mua
Tuy nhiên, sáng ngày 22/7, một số hệ thống siêu thị cho biết, hàng hóa đầy đủ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm, rau xanh cho người dân.
Các siêu thị hàng hóa đầy đủ.
Trao đổi với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, chiều tối qua thì lượng khách tới mua hàng tăng. Tuy nhiên, sáng nay thì siêu thị rất vắng khách trong khi đó hàng hóa đầy ắp.
“Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các siêu thị Co.opmart khu vực miền Bắc đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó để vừa đảm bảo an toàn hệ thống, vừa duy trì tốt nguồn cung hàng hóa cho người dân. Theo đó, sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng lương thực thiết yếu với giá cả ổn định, nhất là các điểm bán ở miền Bắc, giúp người dân an tâm chống bão, không lo khan hàng sốt giá. Đặc biệt, người dân không đi chợ, hay siêu thị được chỉ cần gọi điện hoặc đi chợ online, siêu thị sẽ giao hàng tới tận nhà”, bà Dung nói.
Người dân có thể gọi điện, đặt hàng online các siêu thị mang tới tận nhà.
Hiện, Co.opmart đã tăng cường đặt hàng, chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng thiết yếu như gạo, mì, nước uống, bún, lương khô... Tại kho Bắc Ninh, lượng hàng dự trữ cũng đã được bổ sung kịp thời nhằm sẵn sàng cung ứng trong trường hợp thời tiết xấu kéo dài. Tại Co.opmart Hải Phòng, ngay trong sáng qua, đơn vị đã nhanh chóng gia cố lại các điểm ngoài siêu thị như bãi xe, cửa kho, mái che, trang thiết bị ngoài trời...
Hiện nay, sức mua tại các siêu thị khu vực miền Bắc vẫn diễn ra bình thường, chưa ghi nhận tình trạng tích trữ hàng hóa.
Rau xanh tại siêu thị cũng đa dạng.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart: “Trước thông tin và diễn biến thực tế của cơn bão số 3, ảnh hưởng tới các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên và Hà Nội; hệ thống siêu thị BRGMart ghi nhận nhu cầu mua sắm tích trữ hàng hóa của người dân tăng từ 30-40%. Với thông tin dự báo từ rất sớm, BRGMart đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng khối lượng đặt hàng, các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo dự trữ và đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của khách hàng: Các mặt hàng rau xanh, thịt, cá đảm bảo đầy đủ, các thực phẩm khô thiết yếu, gạo, mỳ, miến, dầu ăn, nước mắm, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh, chất lượng cao, minh bạch nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rất sẵn có tại siêu thị. Chúng tôi cũng mở cửa hoạt động bình thường, song song với các công tác phòng chống lụt bão, theo sự hướng dẫn hỗ trợ của cơ quan chức năng. BRGMart đảm bảo hoạt động thông suốt và đầy đủ hàng hóa dự trữ cho người dân từ ngày 21 – 24/7 giai đoạn cao điểm nhất của đợt bão này”.
Nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.
Nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu trong 7 ngày. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp.
Dự kiến, các loại hàng hóa được chuẩn bị bao gồm: Lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính là 122,7 tỷ đồng.
Ngoài các mặt hàng phục vụ cứu trợ khẩn cấp, phương án cũng hướng tới việc dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Áo mưa, ủng cao su, đèn pin, pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng, thuốc y tế… nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai.
Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, xây dựng và triển khai phương án; đồng thời phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường và doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia có trách nhiệm chuẩn bị đủ nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, chủ động phương tiện, nhân lực, thông tin liên lạc và sẵn sàng cung ứng theo chỉ đạo của Thành phố khi có tình huống xảy ra.
Chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó bão số 3 WIPHA
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Cục TTTN) vừa có văn bản khẩn số 1819/TTTN-VP ngày 21/7/2025 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 WIPHA. Các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong mọi tình huống.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục TTTN yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên bám sát diễn biến và tình hình thị trường tại cơ sở. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, trong và sau mùa mưa bão. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra thiên tai, các địa phương cần chủ động xử lý các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.
Xử lý hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong mưa bão.
Song song với đó, công tác cung ứng hàng hóa cũng cần được chú trọng. Các Sở Công Thương được đề nghị khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kế hoạch này phải xác định rõ danh mục, số lượng, phương thức bảo quản, vận chuyển và phân phối các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước sạch, vật liệu xây dựng và xăng dầu, nhằm bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời trong trường hợp thiên tai gây chia cắt địa bàn. Không những thế, việc phối hợp với các doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa cùng với chính quyền cấp xã, phường để vận hành mạng lưới phân phối cũng cần được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình cung cầu, giá cả và hệ thống phân phối, qua đó đảm bảo thông tin điều hành thị trường được thông suốt và chính xác.
Lưu Hiệp
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/thit-lon-rau-xanh-dat-hang-truoc-gio-bao-so-3-wipha-do-bo-dat-lien-i775556/