Người dân Israel ăn mừng khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. (Nguồn: CNN)
Ngày 15/1, hãng tin Reuters đưa tin Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza sau 15 tháng xung đột. Thỏa thuận đạt được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán liên tục với nỗ lực của Ai Cập và Qatar, cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Các nhà trung gian cho biết thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1/2025, trong đó có cả điều khoản thả các con tin bị giam giữ tại Gaza.
Hy vọng bừng sáng...
Người dân Palestine đã đổ ra đường phố ở Gaza để ăn mừng tin tức về thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng về thực phẩm, nước, nơi trú ẩn và nhiên liệu.
Tại thành phố Khan Younis ở phía nam Gaza, đám đông đã làm tắc nghẽn đường phố khi họ reo hò, vẫy cờ Palestine và nhảy múa.
"Tôi rất vui. Tôi đang khóc đây, nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng" - Ghada, một bà mẹ năm con phải di dời vì cuộc xung đột, chia sẻ.
Tại thành phố Tel Aviv của Israel, gia đình của các con tin Israel và bạn bè của họ cũng vui mừng trước tin tức này. Họ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi hay tin đã đạt thỏa thuận đưa những người thân yêu của mình trở về nhà.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và các lực lượng Israel sẽ dần rút quân khỏi Dải Gaza. Còn các con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza sẽ được trả tự do, đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Niềm vui không ranh giới
Tại cuộc họp báo ở Doha ngày 15/1, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã thông tin rằng các nhà đàm phán đang làm việc với Israel và Hamas về các bước thực hiện thỏa thuận.
"Thỏa thuận này sẽ giúp dừng giao tranh ở Gaza, tăng cường hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho thường dân Palestine và cho các con tin đoàn tụ với gia đình của họ sau hơn 15 tháng bị giam giữ" - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington D.C.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 15/1 để cảm ơn họ vì giúp đạt được thỏa thuận thả các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza.
Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khen ngợi các nhà trung gian Ai Cập, Qatar và Mỹ vì những nỗ lực của họ trong việc làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn này.
Ông nói: "Thỏa thuận này là bước đi quan trọng đầu tiên, nhưng chúng ta phải huy động mọi nỗ lực để thúc đẩy các mục tiêu lớn hơn, bao gồm việc duy trì sự thống nhất, tiếp giáp và toàn vẹn của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Nam Phi, Liên minh châu Âu và nhiều nước thành viên trong khối... cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nói trên.
Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza có ý nghĩa rất lớn nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm phía trước. (Nguồn: The Atlantic)
Kim nghiệm và trách nhiệm
Có thể khẳng định, thành quả này là nhờ sự đóng góp quan trọng của các nhà đàm phán chủ chốt đến từ Mỹ, Ai Cập và Qatar, những quốc gia đã không ngừng nỗ lực làm trung gian nhằm thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy hòa giải giữa các bên.
Ông David Barnea - Giám đốc Cơ quan tình báo Israel Mossad, giữ vai trò dẫn dắt nhóm đàm phán của Israel. Cùng làm việc với ông là ông Ronen Bar, người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Shin Bet và các cố vấn chính trị, quân sự hàng đầu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nhóm này đã phối hợp chặt chẽ để đưa ra các phương án đảm bảo lợi ích của Israel trong khuôn khổ thỏa thuận.
Ông Ronen Bar - người trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến tù nhân an ninh Palestine - đã tham gia các cuộc đối thoại kéo dài hàng tháng. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, ông thẳng thắn nhận trách nhiệm về những thất bại trong việc ngăn chặn sự kiện này và cam kết điều tra nguyên nhân sau chiến tranh.
Từ phía Mỹ, ông Brett McGurk - cố vấn hàng đầu về Trung Đông của Tổng thống Joe Biden - đã đóng vai trò trung tâm trong việc soạn thảo và trình bày các đề xuất hòa giải giữa các bên. Với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại Mỹ, ông McGurk là cầu nối quan trọng giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas.
Trong khi đó, ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Trung Đông, cũng tham gia tích cực vào tiến trình này. Ông đã gặp riêng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani để hỗ trợ các nỗ lực đàm phán song song giữa hai chính quyền Trump và Biden.
Ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani - Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar - giữ vai trò then chốt trong việc liên lạc với Hamas. Là nhà trung gian quan trọng, ông Mohammed đã dẫn dắt các cuộc hòa giải với sự hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo khu vực.
Ông Hassan Rashad - Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập - cũng đã đảm nhận vai trò kết nối với Hamas. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2024, ông Rashad tiếp tục duy trì Cairo như trung tâm đàm phán, nơi các bên gặp gỡ để đạt được sự đồng thuận.
Về phía Hamas, ông Khalil al-Hayya - quyền lãnh đạo văn phòng chính trị của nhóm - là người dẫn đầu trong các cuộc thương lượng. Dù không gặp trực tiếp các quan chức Mỹ hay Israel, ông đã trao đổi thông qua trung gian từ Ai Cập và Qatar để đưa ra lập trường của Hamas.
Sau khi Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng thỏa thuận dựa trên bộ khung ông đã đưa ra, còn Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng nhờ ảnh hưởng của việc mình đắc cử, cũng như một đặc phái viên của ông đã tham gia đàm phán. Theo ông Trump, thỏa thuận ngừng bắn trên chỉ có thể xảy ra nhờ thắng lợi lịch sử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024. Trong khi đó, từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói rằng "nền ngoại giao của tôi chưa bao giờ ngừng nỗ lực để đạt được điều này".
Còn nhiều "bãi mìn" phía trước
Nếu thành công, lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn các cuộc giao tranh đã san bằng phần lớn Gaza và khiến hầu hết trong số 2,3 triệu dân của vùng đất này trước xung đột phải di dời.
Đổi lại, lệnh ngừng bắn có thể xoa dịu căng thẳng trên khắp Trung Đông, nơi cuộc xung đột Hamas-Israel đã gây ra xung đột ở Bờ Tây, Lebanon, Syria, Yemen và Iraq, và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa những "kẻ thù không đội trời chung" trong khu vực là Israel và Iran.
Tuy nhiên, con đường phía trước rất phức tạp, với nhiều "bãi mìn" chính trị có thể xảy ra. Các gia đình con tin Israel bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận có thể không được thực hiện đầy đủ và một số con tin có thể bị bỏ lại ở Gaza, theo Reuters.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, người Palestine, các quốc gia Ả Rập và Israel vẫn phải nhất trí về tầm nhìn cho Gaza sau xung đột, một thách thức lớn liên quan đến các đảm bảo an ninh cho Israel và nhiều tỷ USD đầu tư cho công cuộc tái thiết.
Một câu hỏi chưa có lời giải đáp là ai sẽ điều hành Gaza sau xung đột. Israel đã bác bỏ mọi sự tham gia của Hamas, lực lượng đã quản lý Gaza từ năm 2007 và tuyên bố sẽ phá hủy Israel. Nhưng Israel cũng có sự phản đối gần như ngang bằng đối với sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine.
(theo AP, Reuters, AFP)
Vy Anh