Minh họa/INT
Thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp thường gặp, nhất là ở những người cao tuổi. Bệnh có thể gây tàn phế hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
Ở những người thường, sụn khớp trơn láng, nguyên vẹn và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Nhưng ở người mắc bệnh, sụn khớp xù xì vì bị bào mòn. Trường hợp bệnh nặng, đầu xương dưới sụn trơ ra và cấu trúc xương cũng bị thay đổi. Điều này làm phát sinh các phản ứng tạo chất gây viêm và bộc lộ tình trạng bệnh qua các biểu hiện sưng - đau.
Tổ chức khớp, sụn khớp và dịch khớp giúp cho khung xương, đặc biệt là tứ chi và cột sống vận động một cách trơn tru, linh hoạt nhờ vào khả năng làm giảm sự ma sát giữa hai đầu xương tiếp nối nhau ở ổ khớp. Tuy nhiên, sụn khớp cũng bị thời gian làm cho hao mòn và trở nên xù xì, thô ráp không còn trơn láng như vốn có.
Vì vậy, ở những người cao tuổi các khớp không còn vận động linh hoạt và hiệu quả như thời còn trẻ nữa. Một số trường hợp, các đầu xương tiếp nối nhau gần như không còn được bảo vệ nên cọ xát vào nhau, tạo ra những cơn đau khủng khiếp.
Về mặt sinh học, ở người trẻ tuổi sụn khớp được tái tạo cân bằng với sụn khớp bị thoái hóa qua quá trình hoạt động. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi trung niên sự cân bằng này không còn nữa, sự thoái hóa sụn khớp bắt đầu nhiều hơn sự tái tạo sụn khớp.
Sự phá vỡ cân bằng này là nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Sau đây là những yếu tố thường gặp tác động lên quá trình thoái hóa khớp. Và các yếu tố này cũng được xem như là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ thoái hóa khớp càng lớn.
- Dị tật khớp: Sự bất thường ở khớp mang tính bẩm sinh.
- Di truyền: Một số trường hợp thoái hóa khớp có liên quan đến gen di truyền mang tính gia đình và dòng họ.
- Thừa cân: Người béo phì làm cho các khớp gia tăng áp lực, nhất là các khớp ở chi dưới trong hoạt động thường ngày làm cho chúng thoái hóa nhanh hơn người có cân nặng bình thường.
- Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương do các chấn thương hoặc do vận động quá mạnh, quá nhiều ở các vận động viên thể dục thể thao hay ở những người thường xuyên khiêng vác nặng. Yếu tố nguy cơ này tập trung chủ yếu ở những người trẻ tuổi.
Nhìn chung, đau là triệu chứng nổi bật khiến cho người bệnh lo lắng tìm đến thầy thuốc khám bệnh và bắt đầu sự điều trị. Về bản chất, bệnh thoái hóa khớp diễn ra theo 4 giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1 (Không rõ ràng): Giai đoạn của những biểu hiện mơ hồ thường bị bỏ qua. Sự thoái hóa khớp tự nhiên bắt đầu ở chi dưới, là khu vực mà các khớp gánh chịu tải trọng lâu năm của cơ thể. Các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đau đầu gối được nhận biết khi đi lại quá nhiều hoặc đứng ngồi liên tục trong nhiều giờ. Nếu chụp phim X-quang khớp gối sẽ không thấy sự bất thường nào trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 2 (Biểu hiện nhẹ): Người bệnh bắt đầu cảm thấy có một vấn đề gì đó đang xảy ra với xương khớp của mình, vì đi lại đứng ngồi mau mỏi hơn, khớp xương cảm giác “cứng”, đau nhức khi ngủ dậy và khi trời lạnh. Tuy nhiên, giai đoạn này sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, các hoạt động của khớp vẫn được “cố gắng” duy trì ở mức ổn định.
Đau mức độ nhẹ xuất hiện khi đi lại hoặc đứng ngồi nhiều, rõ hơn ở giai đoạn 1 do sự hình thành các gai xương nhỏ. Nếu chụp phim X-quang đầu gối sẽ thấy sụn khớp hao mòn, hình ảnh gai xương và khe khớp bắt đầu hẹp.
- Giai đoạn 3 (Biểu hiện vừa): Tổn thương khớp rõ hơn. Gai xương và sụn khớp hao mòn xuất hiện nhiều hơn. Đau khớp ở mức độ vừa, khớp có thể sưng nhẹ do sự thoái hóa nhiều tạo ra phản ứng viêm. Người bệnh thường có cảm giác khó chịu và đau các khớp khi đi lại, khi lên xuống cầu thang. Nếu chụp phim X-quang sẽ thấy khe khớp hẹp rõ, gai xương nhiều và sụn khớp hao mòn nhiều.
- Giai đoạn 4 (Biểu hiện nặng): Là giai đoạn nặng, đau nhức nhiều, đi lại đứng ngồi khó khăn do khớp bị viêm nhiều, sưng, đau, cứng khớp. Chụp phim X-quang thấy khe khớp rất hẹp, gai xương kích thước lớn, sụn khớp gần như bị hao mòn hết. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện các biến chứng teo cơ, cứng khớp và kết thúc trong sự tàn phế.
Góp phần chẩn đoán bệnh và giai đoạn bệnh, ngoài phim X-quang còn có các phương pháp sau đây: Siêu âm, nội soi và chụp MRI.
Chủ yếu, bệnh được điều trị nội khoa bảo tồn bằng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm (uống, tiêm, bôi, dán), vật lý trị liệu (xoa bóp, chườm nóng, chiếu đèn, xung điện) hoặc điều trị bằng phương pháp Đông y (thuốc nam, bấm huyệt, châm cứu, điện phân).
Minh họa/INT
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng cho các trường hợp nặng có teo cơ, cứng khớp, viêm bao hoạt dịch khớp không cải thiện sau những nỗ lực điều trị thông thường. Ngoài ra, còn có liệu pháp tế bào gốc để điều trị thoái hóa khớp. Đồng hành cùng với các biện pháp điều trị, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lao động… hợp lý.
Phòng bệnh bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được như không để béo phì, tránh chấn thương khớp, tránh tác động lên khớp liên tục và quá mức, thể dục thể thao rèn luyện thân thể. Bổ sung các chất cần thiết cho sụn khớp tái tạo như các loại chế phẩm có chất collagen.
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS), có đến 80% người mắc bệnh thoái hóa khớp vận động hạn chế và đặc biệt trong số đó 25% người bệnh không thể tự thực hiện được sinh hoạt hằng ngày mà phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước