Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng

Thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng
2 ngày trướcBài gốc
Người dân xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) trồng sâm ngọc linh dưới tán rừng nguyên sinh. Ảnh: Tấn Thành
Chúng tôi đến xã A Tiêng (huyện Tây Giang) và ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Sao ở thôn Agrồng. Trong cuộc trò chuyện, ông Sao cho biết trước đây gia đình ông trồng keo nhưng thu nhập không cao. Hơn 3 năm qua, ông chuyển sang trồng cây dược liệu ba kích, giúp nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ông Sao chia sẻ: “Ban đầu, tôi vay ngân hàng 150 triệu đồng để mua khoảng 10.000 cây ba kích tím giống và trồng trên diện tích 1ha. Nhờ khí hậu phù hợp, cây phát triển tốt và dễ chăm sóc. Hiện nay, ba kích tím có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg, thương lái đến mua tận nơi. Tôi tính toán nếu thu hoạch, vườn ba kích có thể mang lại khoảng 2 tỷ đồng. Tôi càng vui mừng hơn khi góp phần bảo tồn dược liệu quý của vùng cao Tây Giang”.
Hay như vợ chồng anh Bling Miên, ở xã Tr’Hy (huyện Tây Giang) cho hay, 2 năm qua, anh mở rộng diện tích ba kích trên 20ha, tất cả đều được trồng dưới tán rừng và kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng homestay. Giải pháp liên kết này giúp anh và bà con thu nhập cao và tiếp tục mở rộng vườn dược liệu.
“Bà con ở đây trước kia trồng keo, sắn nay chuyển dần sang trồng quế kết hợp dược liệu vì rất hiệu quả. Vùng núi biên giới này chỉ có dựa vào rừng, tiềm năng nhất là dược liệu dưới tán rừng cho nguồn thu nhập cao” - anh Bling Miên nói.
Nhiều người dân cho biết, trước hiệu quả của cây ba kích, bà con sẽ mở rộng diện tích trồng và bổ sung một số cây dược liệu quý khác như râu hùm, sâm 7 lá 1 hoa... Bà con cũng mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ vay vốn, cung cấp máy móc, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để việc trồng dược liệu đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm 2021, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển đến năm 2030. Trong đó, huyện đã xác định 2 cây dược liệu chủ lực gồm ba kích, đẳng sâm, bên cạnh đó một số cây dược liệu cũng đang ưu tiên phát triển như sâm 7 lá 1 hoa, quế, sả hương Tây Giang, sa nhân tím… Huyện ưu tiên các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và có khoảng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với khoảng trên 1.000 hộ dân từ khâu sản xuất, chế biến sản phẩm, bao tiêu đầu ra. Hiện nay, thu nhập bình quân các hộ dân có trồng dược liệu quý tại một số xã ước tính khoảng 40 triệu đồng/người/năm, trong đó nguồn thu từ cây dược liệu chiếm khoảng 50% tổng thu nhập.
Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.100ha ba kích và đẳng sâm. Địa phương đã có 7 sản phẩm dược liệu được công nhận đạt từ 3 - 4 sao OCOP. Hai giống cây này cũng đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành đặc cách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, phát triển và kinh doanh giống. Hiện nay, huyện đã đầu tư 2 vườn ươm giống dược liệu tại xã A Tiêng và A Xan để đảm bảo nguồn giống phục vụ tại chỗ cũng như cung cấp cho các địa phương có nhu cầu.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia liên kết. Đồng thời, huyện cũng kêu gọi thêm các doanh nghiệp tiềm năng hợp tác với các hợp tác xã địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến sâu, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân” - ông Mạc Như Phương cho biết.
Còn ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), người dân tương trợ lẫn nhau trong trồng, bảo vệ, chăm sóc loại cây sâm ngọc linh. Đây là cây dược liệu quý không chỉ của địa phương mà là của Việt Nam. Hiện nay sâm ngọc linh có giá trị thương mại cao, giá sâm ngọc linh tươi dao động từ 100 triệu đồng/kg (loại khoảng 40 củ) và lên đến 220 triệu đồng/kg (loại khoảng 10 củ).
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết: “Mỗi năm toàn xã trồng mới khoảng 323.000 cây sâm ngọc linh dưới tán rừng. Sâm ngọc linh trở thành sinh kế của người dân, nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên nhờ sâm. Chính quyền địa phương, người dân đều ý thức trong việc gìn giữ nguồn gen gốc, bảo tồn và phát triển tốt hơn loại dược liệu quý hiếm này”.
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, huyện đang tập trung triển khai trồng sâm ngọc linh tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Số hộ tham gia trồng sâm tăng lên hàng năm, diện tích trồng được mở rộng. Nếu như năm 2014, chỉ có 110 hộ tham gia với khoảng 65ha, thì đến nay đã có hơn 1.500 hộ đăng ký trồng hơn 1.650ha. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, huyện đã thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm ngọc linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký hơn 341,7ha.
Ông Dũng nói thêm, địa phương bám sát thực hiện quy hoạch vùng nhằm xây dựng cơ cấu cây trồng một số loài dược liệu theo vùng và phát huy tiềm năng sẵn có cây dược liệu trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu, đặc biệt là sâm ngọc linh. Với người dân, huyện sẽ hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Với cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm ngọc linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục mở ra hướng sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho người dân miền núi, biên giới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản, dược liệu từ rừng.
Tấn Thành - Chí Đại
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thoat-ngheo-nho-trong-cay-duoc-lieu-duoi-tan-rung-10302630.html