Cuộc cách mạng tinh gọn bộ vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho nhiều người trẻ (ảnh minh họa)
Quá trình tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ nên dự báo sẽ có nhiều hơn 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này nhiều người trẻ phải loay hoay, vật lộn trong bối cảnh có thể bị thất nghiệp bất cứ lúc nào. Câu chuyện “chìm”, “nổi”, vượt qua con sóng lớn của thất nghiệp sẽ khiến người trẻ nhìn nhận lại quá trình trang bị kiến thức, sự thích nghi và kỹ năng sinh tồn của chính mình.
Có thể không ít bạn trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất bỗng một ngày đẹp trời thấy mình có tên trong danh sách tinh giản biên chế này. Trước đó, câu chuyện tinh giản được họ bàn tán rôm rả trong mọi cuộc tụ tập, mỗi người với một tâm trạng khác nhau. Nhưng ai ngờ, câu chuyện tinh giản đến với mình nhanh đến như vậy, khiến nhiều người không kịp trở tay.
Đa phần đều lo lắng, bởi tìm được việc mới sẽ không dễ dàng. Điều quan trọng nhất chính họ nhận ra bản thân mình thiếu hụt đủ thứ từ chuyên môn sâu cho tới kỹ năng mềm. Nhiều người ân hận khi còn trẻ đã không học hành nghiêm túc. Bố mẹ sát sao việc học thì tỏ ra khó chịu nên trình độ học vấn làng nhàng, không chứng minh được thế mạnh của bản thân. Không những thế, vốn kiến thức xã hội và kỹ năng mềm cho sinh tồn cũng trống rỗng. Bao năm qua nhiều bạn được gia đình bao bọc, cứ tưởng làm công ăn lương đến khi về già nghỉ hưu, ai biết được chữ “ngờ”.
Nhiều bạn trẻ trong quá trình làm việc đã không dành thời gian nâng cao chuyên môn, tự hài lòng với chính bản thân, với công việc hiện tại. Nhiều người nói rằng “xã hội này chết đói làm sao được, mất việc làm sao được, không phải lo”. Ấy vậy mà ngày thất nghiệp đến nhanh quá khiến nhiều bạn trẻ không kịp trở tay.
Đến khi đối mặt với thực tế, nhiều bạn trẻ chợt tỉnh thức, nhận ra sự thiếu hụt kiến thức, trình độ chuyên môn, bằng cấp, sự thích nghi và nhiều kỹ năng sống. Đã có những bạn thở dài thườn thượt và nói câu “giá như”. Giá như ngày xưa nghe lời phân tích của bố mẹ, giá như chăm chỉ học hành hơn, giá như nghiêm túc với chính cuộc đời của mình... Và lúc này nếu được quay trở lại, nhiều bạn nói rằng sẽ dành thời gian trau dồi kiến thức, dùng cả thanh xuân để học tập chỉn chu.
Bởi khác với thế hệ 7X, 8X, thế hệ trẻ hay còn gọi là Gen Z khi đứng trước làn sóng thất nghiệp dễ mất phương hướng, dẫn đến lo âu, căng thẳng thậm chí nhiều người đã rơi vào trầm cảm. Điều này dễ kéo theo xu hướng “nằm yên mặc kệ” gia tăng khi mà nhiều bạn trẻ không còn động lực để cố gắng, mà họ rơi vào chán chường, buông xuôi, mất tự tin vào chính bản thân mình.
Nhưng ngược lại có một bộ phận các bạn trẻ lại tự tin khẳng định bản thân trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Sau bao năm dùi mài kinh sử, trau dồi tu nghiệp trong và ngoài nước, trang bị đôi ba ngoại ngữ, công nghệ thông tin và trải nghiệm thực tế, nhiều bạn trẻ bảo rằng, đây chính là cơ hội để họ đảm đương, thể hiện trí tuệ, sẵn sàng cống hiến sức trẻ khi đất nước cần.
Nhiều người đã đón trước được xu hướng việc làm trong năm 2025 với nhiều biến động nên đã chủ động dành thời gian để học hỏi và trau dồi kỹ năng chuyên môn để tránh bỡ ngỡ và lúng túng khi ứng tuyển những vị trí mới. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và có công nghiên cứu kỹ càng, nhiều bạn trẻ đã tìm ra vị trí phù hợp với năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm hiện tại của bản thân. Họ nói rằng “khi bạn sở hữu chuyên môn sâu, kỹ năng chuyên nghiệp thì bạn không quá lo lắng trước làn sóng thất nghiệp''. Câu chuyện tinh giản cũng là bài học đắt giá để các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường thực sự nghiêm túc với con đường học vấn, dành thời gian cho việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, để sau này không mất phương hướng khi hòa mình vào dòng đời.
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì người trẻ vẫn là thế hệ có nhiều cơ hội phát triển. Bởi họ là xương sống trong cuộc cách mạng này và sẽ là những người được thừa hưởng nhiều nhất. Nhiều bạn trẻ giờ thuộc nằm lòng câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đây là thời điểm toàn xã hội phải chuyển mình” vì vậy công cuộc tinh gọn bộ máy “không thể trì hoãn” và được người dân cả nước đồng tình, ủng hộ.
KỲ LAN