Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo trật tự quốc tế tự do hoặc thu mình lại, thích ứng với một thế giới đa cực hậu Mỹ. Tuy nhiên, một kịch bản thứ ba, như Phó Giáo sư Khoa học Chính trị Michael Beckley tại Đại học Tufts đã dự đoán với tạp chí Foreign Affairs (foreignaffairs.com), đang dần trở thành hiện thực: Mỹ trỗi dậy như một siêu cường "nguy hiểm" - không theo chủ nghĩa quốc tế cũng chẳng chủ nghĩa cô lập, mà mạnh mẽ và ngày càng hành động theo ý mình.
Phó Giáo sư Beckley cho rằng, những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ việc áp thuế quan cao ngất ngưỡng, cắt giảm viện trợ nước ngoài, coi thường đồng minh đến những đề xuất gây tranh cãi như kiểm soát Greenland hay Kênh đào Panama, đã phác họa rõ nét tầm nhìn này. Dẫu vậy, Tổng thống Trump chỉ là người khơi mào, phản ánh sự thất vọng âm ỉ từ lâu về vai trò lãnh đạo toàn cầu và những lực lượng "ngầm" đang đẩy chiến lược của Mỹ vào quỹ đạo đơn phương. Câu hỏi cấp thiết hiện nay không còn là liệu Mỹ có tiếp tục đi con đường riêng hay không, mà là bằng cách nào và vì mục đích gì.
Hiểu rõ động lực của sự thay đổi này không còn là vấn đề học thuật suông. Nó mang tính sống còn để định hình tương lai. Nếu không được kiểm soát, sự chuyển hướng đơn phương của Washington có nguy cơ gây bất ổn toàn cầu và làm suy yếu chính sức mạnh lâu dài của nước này.
Tại sao Mỹ chọn con đường riêng?
Một trong những lý do then chốt khiến Mỹ ngày càng "khó đoán định" là vì họ có đủ khả năng để làm như vậy. Bất chấp những cảnh báo về sự suy yếu trong nhiều thập kỷ, sức mạnh của Mỹ vẫn đáng gờm. Thị trường tiêu dùng của nước này sánh ngang với quy mô tổng hợp của Trung Quốc và khu vực đồng euro. Đồng USD vẫn là bá chủ trong thương mại và tài chính quốc tế, mang lại cho Washington quyền lực to lớn để áp đặt các lệnh trừng phạt.
Đáng chú ý, nền kinh tế Mỹ lại ít phụ thuộc vào thương mại hơn nhiều quốc gia khác. Các công ty Mỹ dẫn đầu về đầu tư mạo hiểm toàn cầu, thống trị sản xuất các mặt hàng thiết yếu như năng lượng và thực phẩm, và tạo ra hơn một nửa lợi nhuận toàn cầu trong các ngành công nghệ cao. Dù phụ thuộc vào Trung Quốc về một số đầu vào công nghiệp, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ cao cấp và an ninh lương thực, năng lượng từ Mỹ và các đồng minh còn lớn hơn nhiều.
Về quân sự, Mỹ là cường quốc duy nhất có khả năng tiến hành các cuộc chiến quy mô lớn ở cách xa bờ biển của họ nghìn km. Khoảng 70 quốc gia phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ thông qua các hiệp ước quốc phòng và cần đến tình báo, hậu cần của Mỹ để triển khai lực lượng ra khỏi biên giới. Trong một thế giới phụ thuộc sâu sắc vào thị trường và quân đội Mỹ, Washington nắm giữ đòn bẩy khổng lồ để điều chỉnh hoặc thậm chí từ bỏ các quy tắc hiện hành.
Không chỉ có phương tiện, Mỹ còn có động lực ngày càng lớn để hành động đơn phương. Trật tự tự do do Mỹ lãnh đạo giờ đây bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều đồng minh được Mỹ bảo vệ đã không còn khả năng gánh vác những trách nhiệm lớn. Họ cắt giảm chi tiêu quốc phòng, mở rộng các phúc lợi nhà nước và ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và năng lượng Nga. Khi các cuộc khủng hoảng nổ ra, họ vẫn tìm đến Washington để giải quyết.
Cùng với đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga đã vô tình thách thức sự thống trị của Mỹ. Họ tận dụng hệ thống liên minh do Mỹ lãnh đạo để củng cố vị thế, vẽ lại bản đồ Á-Âu và tiếp cận các thị trường, tổ chức phương Tây để khai thác.
Ngoài ra, trật tự tự do do Mỹ chi phối ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn do sự trỗi dậy của nhiều quốc gia mới, dẫn đến sự phân tán quyền lực và gia tăng các điểm phủ quyết. Các thể chế quốc tế từng khuếch đại ảnh hưởng của Mỹ lại trở thành đấu trường của sự bế tắc và thái độ phản đối Mỹ.
Ở trong nước, toàn cầu hóa, dù thúc đẩy tăng trưởng, lại gây ra những hệ lụy không nhỏ như suy giảm các ngành công nghiệp truyền thống, tập trung lợi nhuận vào thiểu số và gây ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm từ chủ nghĩa quốc tế tự do sang chủ nghĩa bảo hộ và kiểm soát biên giới.
Trước bối cảnh trên, hai xu hướng mạnh mẽ - thay đổi nhân khẩu học và tự động hóa ngày phát triển - đang định hình lại bối cảnh toàn cầu và củng cố xu hướng đơn phương của Mỹ. Trong khi lực lượng lao động ở các cường quốc Âu-Á dự kiến sẽ suy giảm đáng kể, Mỹ lại là cường quốc duy nhất có lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chính được dự đoán sẽ tăng.
Sự suy giảm nhân khẩu học ở các đối thủ tiềm năng làm gia tăng rủi ro cho các cam kết quốc phòng của Mỹ, khi các chính quyền có xu hướng quân sự hóa để bảo vệ chế độ trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và bất ổn gia tăng, cùng với đó là một số đồng minh của Washington lại chậm chạp tái vũ trang do áp lực từ cử tri già và các nghĩa vụ phúc lợi.
Đồng thời, sự bùng nổ dân số ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi, đi kèm với đói nghèo, quản lý yếu kém và biến đổi khí hậu, đang thúc đẩy bất ổn, chủ nghĩa cực đoan và di cư hàng loạt, gây ra phản ứng dân túy và củng cố xu hướng tự cô lập của Mỹ.
Mặt khác, các công nghệ mới như thiết bị bay không người lái, vũ khí không gian và mạng cùng tên lửa chính xác đang cho phép Mỹ tấn công các mục tiêu trên toàn cầu mà ít phụ thuộc hơn vào các căn cứ quân sự cố định ở nước ngoài. Quân đội Mỹ đang chuyển đổi từ lực lượng bảo vệ đồng minh sang lực lượng tập trung vào "trừng phạt đối thủ" từ xa.
Tương tự, tự động hóa và AI (trí tuệ nhân tạo) đang giảm nhu cầu lao động nước ngoài, trong khi in 3D và hậu cần thông minh đang thu hẹp chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch sản xuất trở về trong nước. Một "nền kinh tế pháo đài" đang hình thành song song với một "quân đội pháo đài", khiến việc "tách rời" trở nên an toàn và hợp lý hơn.
Theo Phó Giáo sư Beckley, câu hỏi đặt ra hiện nay không còn là liệu Mỹ có trở thành "bất cần" hay không, mà là họ sẽ trở thành loại "đơn phương" nào: một cường quốc liều lĩnh, hiếu chiến, cắt đứt quan hệ và chỉ theo đuổi lợi ích ngắn hạn, hay một cường quốc có thể chuyển hướng sức mạnh của mình vào một tư thế chiến lược hơn, bảo tồn cốt lõi của trật tự tự do trong một liên minh chặt chẽ hơn?
Công Thuận/Báo Tin tức