Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử

Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử
2 ngày trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Sáng 19/2, sau 6,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đồng thời thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
“Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quốc hội cũng đã bầu 6 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.
Kỳ họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, quyết nghị các nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong điều kiện đặc biệt, chịu áp lực về thời gian, nhưng với yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, triển khai ngay trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự ủng hộ, quyết tâm rất cao, có nhiều ý kiến thẳng thắn và có giá trị về cả lý luận và thực tiễn.
“Nhiều đại biểu đã ghi nhận, các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra.
“Những băn khoăn, lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, ông Mẫn phát biểu.
Sau Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.
“Đề nghị Chính phủ nỗ lực cao nhất để xây dựng các kế hoạch, văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật và nghị quyết của Quốc hội; các cơ quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/thoi-diem-lich-su-trong-dai-cua-dan-toc-thi-phai-co-nhung-quyet-dinh-lich-su-d247811.html