Thời điểm vàng cho bước ngoặt chính sách của Mỹ với Iran, chần chừ sẽ phải trả giá đắt

Thời điểm vàng cho bước ngoặt chính sách của Mỹ với Iran, chần chừ sẽ phải trả giá đắt
3 ngày trướcBài gốc
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể là một trong những thách thức chính sách đối ngoại lớn đầu tiên đối với chính quyền Trump 2.0.. (Nguồn: PBS)
Chính sách "gây sức ép tối đa" và tác dụng ngược
Ông Jon Hoffman, chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng và chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, Viện nghiên cứu CATO vừa qua đã có một bài phân tích trên trang The Hill cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nên sớm thúc đẩy thỏa thuận với Iran khi thời gian đàm phán ngoại giao cho cả hai bên không phải lúc nào cũng "dư dả".
Theo ông Jon Hoffman, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể là một trong những thách thức chính sách đối ngoại lớn đầu tiên đối với chính quyền Trump 2.0.
Những động thái gần đây của Tehran đã đưa Iran tới gần hơn với việc phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời nguy cơ xung đột leo thang với Israel, cùng sự tham gia trực tiếp của Mỹ vẫn cao.
Mặc dù giữa Washington và Tehran còn nhiều sự ngờ vực, hai bên vẫn có thể tiến hành đàm phán. Tổng thống đắc cử Trump nên nối lại đối thoại với Iran và tận dụng cơ hội hạn chế hiện có để vừa xoa dịu chương trình hạt nhân của Tehran một cách hòa bình, vừa giảm căng thẳng với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Việc bỏ lỡ cơ hội này có nguy cơ đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột thảm khốc khác ở Trung Đông - điều mà ông Trump đã hứa với các cử tri Mỹ rằng ông sẽ cố gắng tránh.
Chuyên gia Jon Hoffman khẳng định chính quyền của ông Trump nhiệm kỳ đầu đã mang lại những bài học bổ ích cho chính quyền Trump 2.0. Sau khi rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) với Iran, ông Trump đã thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” nhằm cô lập nước này về cả kinh tế và ngoại giao.
Đồng thời, ông Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt quy mô lớn nhất đối với Iran cho đến nay và tăng áp lực quân sự với Tehran. Israel cũng hành động tương tự "làm khó" Iran.
Ngay sau đó, Iran bắt đầu làm giàu urani lên 60%. Dù vẫn chưa đạt mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí, đây là mức độ chưa từng đạt tới trong lịch sử nước này.
Theo ông Jon Hoffman, chính sách “gây sức ép tối đa” của ông Trump (phần lớn được chính quyền Tổng thống Biden duy trì sau này) cuối cùng đã không thể hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, thậm chí còn giúp củng cố đường lối cứng rắn ở Iran.
Iran đã tăng đáng kể kho dự trữ urani gần cấp độ vũ khí, đủ để sản xuất nhiên liệu cho vài quả bom hạt nhân nếu Tehran có ý định chế tạo bom hạt nhân với thời gian đột phá chỉ vài tuần.
Căng thẳng giữ Israel và Iran ngày càng leo thang. (Nguồn: Jiss)
"Dịu giọng" hướng đến bàn đàm phán
Chuyên gia Jon Hoffman phân tích, khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, có nhiều tín hiệu trái ngược trong chính sách với Iran. Một mặt, có vẻ ông Trump muốn tiếp tục chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Iran và thậm chí cân nhắc tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân của nước này.
Nhưng mặt khác, cũng có những tín hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử đang xem xét triển vọng đạt được một thỏa thuận mới với Tehran.
Ông Trump đã cảnh báo về những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi chế độ ở Tehran, và chỉ vài ngày sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống, tỷ phú Elon Musk, người thân tín với ông Trump, đã gặp Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc để thảo luận về việc giảm căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Ông Massad Boulos, cố vấn Trung Đông của ông Trump, gần đây tuyên bố ông Trump đã sẵn sàng cho “các cuộc đàm phán nghiêm túc” với Iran.
Về phần mình, Tehran cũng đã chuyển sang giọng điệu ôn hòa hơn dưới thời tân Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian, người được bầu với lời hứa giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của Iran bằng cách hợp tác với phương Tây.
Tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã nói trên truyền hình rằng Tehran sẵn sàng nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân nhưng cảnh báo thời gian cho các cuộc đàm phán như vậy là có hạn.
Hàng trăm tên lửa từ phía Iran bắn vào lãnh thổ Israel, ngày 1/10. (Nguồn: Arab News)
Khó mấy cũng nên làm
Theo ông Jon Hoffman, có hai trở ngại chính đối với các cuộc đàm phán với Iran từ phía Mỹ. Thứ nhất, sự trì trệ về chính sách đang đẩy Washington hướng tới đối đầu với Tehran. Điều này bắt nguồn từ nhận định về mối đe dọa mà Iran gây ra đối với lợi ích của Mỹ.
Rào cản thứ hai đối với các cuộc đàm phán xuất phát từ sự phản đối của Israel và sự leo thang liên tục ở Trung Đông. Trung Đông thời gian qua đã chứng kiến làn sóng leo thang lan rộng khắp khu vực, bao gồm cả đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Israel.
Bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Iran đều có nguy cơ vấp phải sự phản đối dữ dội từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người lâu nay vẫn ủng hộ leo thang với Tehran.
Trong diễn biến mới nhất của cuộc xung đột liên tục này, Israel đã nhắm vào các hệ thống phòng không, cơ sở sản xuất tên lửa và một địa điểm liên quan chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng 10. Iran tuyên bố sẽ đáp trả các cuộc tấn công của Israel nhưng đến nay vẫn chưa làm như vậy, điều này tạo cơ hội cho Mỹ có thể chấm dứt chu kỳ trả đũa này.
Nếu không có các biện pháp ngoại giao kịp thời, xung đột chắc chắn sẽ leo thang và khó kiểm soát hơn nữa, điều sẽ gây ra thảm họa đối với sự ổn định của khu vực và các lợi ích của Mỹ.
Các cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể sẽ không xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này mà thậm chí có thể khuyến khích Tehran đẩy nhanh việc sản xuất bom hạt nhân.
Khả năng phòng không và tên lửa đạn đạo của Iran sẽ gây tổn thất đáng kể về tài chính và nhân lực cho quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ rải rác khắp Trung Đông sẽ dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công trả đũa của Iran hoặc các đối tác của họ trong khu vực.
"Nếu không có giải pháp rõ ràng nào hoặc không có tầm nhìn về một cuộc xung đột kéo dài như vậy, bên bị tổn hại nhiều nhất rất có thể sẽ là Mỹ. Sự lựa chọn tốt nhất của ông Trump lúc này là ngoại giao. Ông Trump nên nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Tehran, bước đi cần thiết đầu tiên hướng đến việc Mỹ rút khỏi Trung Đông", ông Jon Hoffman nhận định.
"Đòn bẩy" của Iran bị suy yếu
Cục diện Trung Đông hiện nay cũng không có nhiều thuận lợi cho Iran khi "trục kháng chiến" gặp phải không ít thách thức. Đây có thể là cơ hội để Mỹ thúc đẩy các biện pháp ngoại giao đối với Iran.
Theo Modern Diplomacy, sự sụp đổ gần đây của chế độ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gây chấn động khắp Trung Đông. Trước chính biến ở Syria, những bên ủng hộ chính của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm Nga và “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo sẽ là những bên chịu tổn thất lớn nhất.
Số phận các căn cứ quân sự của Nga tại Syria hiện đang bị đe dọa. Hoạt động tiếp theo của các căn cứ này có thể sớm được quyết định, tùy thuộc vào việc Điện Kremlin có thể đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo mới của Syria hay không.
Đối với Iran, Tehran đã mất quyền tiếp cận trên bộ được đảm bảo tới Lebanon, khiến đồng minh Hezbollah dễ bị Israel tấn công hơn.
Một tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Syria mới nhậm chức, Asaad Hassan al-Shibani, đã cảnh báo Iran không được "gieo rắc hỗn loạn" ở Syria, có thể báo hiệu rằng chính phủ mới muốn phá vỡ nguyên trạng của Syria như một mặt trận trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Iran và Israel.
Điều này không tốt cho Iran và liên minh “trục kháng chiến” của nước này.
Rõ ràng, việc mất đi đồng minh Syria và Hezbollah ngày càng suy yếu có nghĩa là Iran đang mất đi vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu của khu vực. Không chỉ khả năng triển khai quyền lực và ảnh hưởng địa chính trị của Iran bị suy giảm mà còn có nguy cơ mất đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp hoặc xung đột nào trong tương lai với các đối thủ của mình, có thể là Israel, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tehran sẽ bù đắp những mất mát này như thế nào? Liệu những khó khăn của hiện tại có khiến Tehran xoay hướng thúc đẩy đàm phán với Washington để gỡ "vòng kim cô" về trừng phạt, tập trung củng cố sức mạnh và giải quyết khó khăn nội tại? Tất cả chúng ta cùng trông chờ trong năm 2025.
(theo The Hill, Modern Diplomacy)
Vy Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thoi-diem-vang-cho-buoc-ngoat-chinh-sach-cua-my-voi-iran-chan-chu-se-phai-tra-gia-dat-299435.html