Mặc dù Nga vẫn tiếp tục kiếm được hàng tỷ USD từ dầu mỏ, nhưng những lệnh trừng phạt từ Mỹ sẽ gây tổn hại to lớn cho đất nước. (Nguồn: Getty Images)
Vào ngày 10/1, Nhà Trắng đã công bố lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với ngành dầu mỏ của Nga, đưa gần 200 tàu thuộc "hạm đội bóng tối" vào danh sách đen và nhắm vào các nhà sản xuất dầu mỏ của xứ bạch dương là Gazprom Neft và Surgutneftegas.
Theo dữ liệu của Kpler, các tàu chở dầu bị trừng phạt chiếm khoảng 42% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Giá trần dầu Nga và lệnh trừng phạt vận chuyển qua đường biển được phương Tây áp dụng vào cuối năm 2022. Thế nhưng, Moscow phần lớn đã tìm ra cách để lách lệnh trừng phạt này bằng cách sử dụng nhiều cơ chế khác nhau để giới hạn giá một thùng dầu của Nga ở mức 60 USD.
Diễn biến mới từ Nhà Trắng có thể thay đổi tình hình.
Ông Craig Kennedy, một chuyên gia độc lập về Nga hiện đang làm việc tại Đại học Harvard nhận thấy, biện pháp mới nhất của Mỹ là "một đòn đau" đối với Nga.
Ông nói: "Điều đó có nghĩa là một số tàu vốn dĩ giúp Moscow lách lệnh cấm dầu sẽ phải 'nằm im' ở các bến cảng trên khắp thế giới và sẽ không còn hữu ích nữa".
Trong khi đó, ông Benjamin Hilgenstock thuộc Trường Kinh tế Kyiv hoan nghênh lệnh trừng phạt và cho biết, lệnh trừng phạt phải được duy trì. "Các quốc gia cần tiếp tục trừng phạt 'hạm đội bóng tối' cho đế khi hạm đội này trở thành dĩ vãng", ông Benjamin Hilgenstock nhấn mạnh.
Giá dầu thô đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2024 khi lệnh trừng phạt được nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố.
Vì sao lại là dầu mỏ?
Mức giá trần 60 USD/thùng được đặt ra với kỳ vọng ngăn Nga thu lợi từ việc bán dầu và vẫn giữ cho mặt hàng này từ Nga vẫn "chảy" tới khắp thế giới. Các dịch vụ bảo hiểm và hậu cần của phương Tây - vốn thống trị vận chuyển toàn cầu - sẽ không được cung cấp cho Moscow, nếu dầu của đất nướ được bán vượt mức 60 USD/thùng.
Xứ bạch dương đã vượt qua giới hạn này bằng cách mua hàng trăm tàu chở dầu cũ và xây dựng "hạm đội bóng tối". Những con tàu này đã vận chuyển dầu đến các quốc gia mua với số lượng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, thường sử dụng các chương trình bảo hiểm không minh bạch.
6 tháng sau khi mức giá trần được áp, doanh thu từ dầu mỏ của Moscow đã giảm mạnh. Thế nhưng, doanh thu đã phục hồi ngay sau đó.
Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng 6% vào năm 2024, mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 2%.
Doanh thu từ dầu mỏ đóng vai trò quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin. Chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 đến năm 2024. Dự kiến, năm nay, chi tiêu quốc phòng sẽ đạt mức kỷ lục 13,5 nghìn tỷ Ruble (tương đương 131 tỷ USD), tăng thêm 25%.
Ông Kennedy nhận định: "Dầu mỏ hiện đã trở nên vô cùng quan trọng đối với Nga. Đất nước này đang chịu áp lực ngày càng tăng. Với việc mất đi thị trường khí đốt châu Âu, Moscow càng chú trọng hơn vào dầu mỏ".
Nhà Trắng đã công bố lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với ngành dầu mỏ của Nga. (Nguồn: Bloomberg)
Nhắm vào các tàu chở dầu
Kể từ khi biết chính xác, Nga sử dụng "hạm đội bóng tối" để lách lệnh cấm, Mỹ đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào từng tàu chở dầu.
Ông Kennedy đánh giá: "Biện pháp này đã chứng minh là rất hiệu quả. Ngay khi tên và số hiệu của một con tàu được đưa vào danh sách đen, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc có xu hướng không muốn chấp nhận bất kỳ loại dầu nào của Nga được vận chuyển trên những con tàu đó".
Nga buộc phải ngừng sử dụng những tàu bị trừng phạt đó.
"Chỉ cần một nét bút của Washington, họ đã có thể khiến hàng chục tàu chở dầu trị giá 40 triệu USD trở nên vô dụng", ông Kennedy nói.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngừng trừng phạt các tàu chở dầu riêng lẻ vào tháng 3/2024, với suy đoán rằng quyết định này có thể dẫn đến cú sốc giá dầu trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Ông Kennedy cho rằng, khối lượng lớn tàu chở dầu của Nga hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm tăng áp lực lên Nga. "Nó đang loại bỏ phần cứng vận tải quan trọng mà họ đã bỏ ra hàng tỷ đô la để mua lại."
Điểm mấu chốt của lệnh trừng phạt
Mặc dù Nga vẫn tiếp tục kiếm được hàng tỷ USD từ dầu mỏ, nhưng những lệnh trừng phạt từ Mỹ sẽ gây tổn hại to lớn cho đất nước.
Ông Benjamin Hilgenstock cho rằng: "Sẽ rất đau đớn. Lệnh trừng phạt sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn lên đồng Ruble, khiến lạm phát tăng vọt, doanh thu ngân sách giảm. Tất cả những điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Nga".
Nếu New Delhi và Bắc Kinh tiếp tục tránh xa các tàu chở dầu bị trừng phạt, Moscow sẽ buộc phải tuân thủ mức giá trần hoặc có cách để chứng minh rằng, họ đang tuân thủ mức giá trần. "Dù trường hợp nào đi nữa, thì điều đó cũng rủi ro hơn đối với Nga và sẽ tốn kém hơn", ông Kennedy khẳng định.
Trong khi đó, hai nguồn tin thương mại Trung Quốc cho biết, xuất khẩu dầu của Moscow sẽ bị tổn hại nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mới. Điều này sẽ buộc các nhà máy lọc dầu độc lập của đất nước tỷ dân phải cắt giảm sản lượng lọc dầu trong tương lai.
Theo nhiều chuyên gia, điểm mấu chốt của lệnh trừng phạt chính là việc doanh thu dầu mỏ Nga giảm sẽ tác động trực tiếp đến chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bình luận về lệnh trừng phạt Nga của Mỹ rằng: "Moscow càng ít doanh thu từ dầu mỏ thì hòa bình sẽ sớm được khôi phục".
Tuy nhiên, hiệu quả của gói trừng phạt mới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi và giám sát. Điều này không đơn giản khi phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ của xứ bạch dương đã chuyển hướng sang các đối tác không thuộc phương Tây.
(theo DW)
Linh Chi