Thời làm báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua góc nhìn của nhà văn Hàn Quốc

Thời làm báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua góc nhìn của nhà văn Hàn Quốc
một tháng trướcBài gốc
Nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon là tác giả nước ngoài đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách có tựa đề "Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" đã gây tiếng vang ở Hàn Quốc và vừa ra mắt độc giả Việt Nam.
Tác giả đã dày công nghiên cứu tài liệu, đi thực tế ở các địa điểm và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với những người từng gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, nhà văn Cho Chul Hyeon khắc họa sinh động chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt, cuốn sách cung cấp những thông tin mà đến nay còn ít người biết về tuổi trẻ, con đường học tập và thời gian làm báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cảm hứng quan trọng để nhà văn Cho Chul Hyeon hình thành ý tưởng viết sách.
“Một nhà lãnh đạo học ngành văn, từng là nhà báo là điều rất thú vị với tôi và tôi nảy sinh ý muốn tìm hiểu, đọc các bài báo của ông. Tôi biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng công tác tại Tạp chí Cộng sản nên tìm đọc các bài báo của ông. Khi đọc tôi vô cùng ấn tượng về kỹ năng xuất sắc của ông trong viết bình luận, nghị luận các vấn đề” – Nhà văn Cho Chul Hyeon chia sẻ trước truyền thông khi cuốn sách ra mắt.
Nhà văn Cho Chul Hyeon. (Ảnh: AJU News)
Phụng sự bằng ngòi bút
Cuối năm 1967, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản). Đây cũng là thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng vào hàng ngũ của Đảng khi được kết nạp ngày 19/12/1967.
Nhà văn Cho Chul Hyeon đã tìm được những nguồn tư liệu để kể cho độc giả về cảm xúc vinh dự, khát vọng cống hiến, xen lẫn bất ngờ và chút băn khoăn, lo lắng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhận công tác ở cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng năm 23 tuổi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thời gian làm báo bằng việc đọc, phân loại, ghi phích, làm công tác tư liệu ở Tạp chí Học tập. Đến năm 1991, ông trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đảm nhận vị trí này tới năm 1996 thì được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Nhà văn Cho Chul Hyeon gọi chặng đường công tác trong lĩnh vực báo chí từ năm 1967 đến năm 1996 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là 30 năm “phụng sự bằng ngòi bút”. Trong thời kỳ chiến tranh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cây bút chiến đấu không ngừng vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, ông lại là cây bút chính luận viết bằng tất cả sức lực, trí tuệ vì khát vọng xây dựng Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh.
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận bức trướng kỷ niệm của Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng Tạp chí năm 1995. (Ảnh: TTXVN)
Nhà văn Cho Chul Hyeon tập trung khắc họa 2 bút danh gắn với những bài viết xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian làm báo là “Người xây dựng” và “Trọng Nghĩa”. Cùng với đó là những kỷ niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thực hiện 2 số báo đặc biệt về sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 và ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Ngoài ra, tác giả đã giới thiệu những đoạn trích từ các bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong ở Tạp chí Cộng Sản như “Của công, của riêng” (số 06, 1978); “Móc ngoặc” (số 08, 1978); “Tình đồng chí” (số 10, 1979); “Chức vụ và uy tín” (số 02, 1984); “Làm xiếc” (số 6, 1985); “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” (số 08, 1986)…
Trong số các bài báo được trích dẫn, bài “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” năm 1986 có tác động lớn, nhất là trong việc học tập đổi mới của cán bộ lãnh đạo Đảng, là cơ sở tốt cho quá trình thực hiện chính sách Đổi mới.
Những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lối hành văn tao nhã, logic, kiến thức sâu rộng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà văn Cho Chul Hyeon bày tỏ sự khâm phục với bút lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia sẻ rằng mỗi bài viết là một sự bất ngờ với độc giả.
Ngòi bút của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những chỉ ra được quan điểm tư tưởng đúng đắn với Đảng viên, mà các bài báo còn có thể khiến người đọc phải suy ngẫm vể chính mình và sẵn sàng vạch trần những vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Bức tranh thời đại
Tác giả Cho Chul Hyeon đã khắc họa sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản vào năm 1991 trong một bức tranh lớn, khi Việt Nam vừa tiến hành công cuộc Đổi mới và sự kiện Liên xô tan rã.
Nhà văn người Hàn Quốc bày tỏ ấn tượng với công cuộc Đổi mới toàn diện của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có công tác cán bộ. Sự chuyển giao thế hệ, trọng dụng nhân tài trong công cuộc Đổi mới đã đưa rất nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo trẻ xuất hiện trong thời kỳ này, tạo sức bật cho đất nước. Trong đó có trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai lên lá cờ truyền thống của Tạp chí Cộng sản vào năm 2015. (Ảnh: Tư liệu TCCS)
Trong quá khứ, các Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản đều thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1920 hoặc trước đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944) là người đầu tiên thuộc thế hệ sinh ra trong thập niên 1940 trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản.
Trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện bản lĩnh trong công cuộc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, ổn định tư tưởng của quần chúng nhân dân trước sự kiện Liên Xô tan rã và góp phần phát triển đất nước trong công cuộc Đổi mới.
Nhà văn Cho Chul Hyeon cũng chỉ ra các dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Tạp chí Cộng sản trong công tác quản lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng chuyên môn và kiến tạo những nền tảng để phát triển sau này cho cơ quan.
Ngoài ra, nhà văn Cho Chul Hyeon đã giới thiệu kỷ niệm của nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản khi làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là hình ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một tay ôm bụng, một tay lật bản thảo, làm việc miệt mài dù gặp vấn đề ở dạ dày. Theo nhà báo Nhị Lê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quyết tâm rất mạnh mẽ mà những người chưa từng làm việc cùng với ông sẽ không biết được.
Chương viết về thời kỳ làm báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm của nhà văn Cho Chul Hyeon khép lại bằng phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Tạp chí Cộng sản năm 2021: “Trước đây có những thời điểm (Tạp chí Cộng sản) chỉ có một Tổng biên tập, một Phó Tổng Biên tập và một Ủy viên Ban biên tập. Cơ sở vật chất lúc đó rất tồi tàn. Đi lấy tin, bài ở địa phương, tôi thường đi bằng xe đạp. Đạp xe từ Hà Nội đến Thái Nguyên, Hòa Bình và cả Vĩnh Linh nữa. Trong thời kỳ chiến tranh, tôi đi bộ để tránh bom, ngủ trên xe đạp và khi đến nơi, tôi ở lại đó vài tháng cho đến khi lấy tin xong. So với trước đây, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Tôi thực sự không thể không ấn tượng”.
PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thoi-lam-bao-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-qua-goc-nhin-cua-nha-van-han-quoc-post1132216.vov