Tăng lipid máu thường là quá trình bệnh lý kéo dài suốt đời. Ảnh: Sohu.
Mỡ máu hay lipid máu là chất béo có trong máu. Chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cùng với protein và carbohydrate, chất béo là thành phần chính giúp con người duy trì sự sống, đảm bảo cho quá trình phát triển.
Theo bác sĩ Lê Văn Huân, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, người lớn tuổi có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa lipid, liên quan sự suy giảm dần chức năng sinh lý của nhiều cơ quan. Sự rối loạn chuyển hóa lipid góp phần gây ra nhiều bệnh mạn tính liên quan tuổi tác như tiểu đường type 2, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), béo phì...
Tăng lipid máu thường là quá trình bệnh lý kéo dài suốt đời, nhưng có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển và thường dẫn đến bệnh lý mạch máu nghiêm trọng, có thể gây tử vong.
Thông thường, thay đổi hành vi và lối sống có thể giúp hạ lipid đáng kể. Nếu chỉ thay đổi lối sống không cải thiện được mức cholesterol, bạn có thể được bác sĩ cho chỉ định dùng thuốc. Việc thay đổi lối sống bao gồm:
Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim
Cách tốt nhất để giảm cholesterol là giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nên hạn chế chất béo bão hòa dưới 6% lượng calo hàng ngày và tránh chất béo chuyển hóa.
Giảm các chất béo này có nghĩa là hạn chế lượng thịt đỏ và sản phẩm từ sữa làm từ sữa nguyên chất. Thay vào đó, hãy chọn sữa tách kem, sữa ít béo hoặc không béo. Điều này cũng có nghĩa là hạn chế đồ chiên và nấu ăn bằng các loại dầu lành mạnh như dầu thực vật.
Chế độ ăn tốt cho tim mạch nhấn mạnh vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá, các loại hạt và dầu thực vật không phải từ vùng nhiệt đới. Đồng thời, bạn cần hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến, đồ uống có đường và natri.
Hoạt động thể chất nhiều hơn
Lối sống ít vận động làm giảm cholesterol HDL (tốt). Ít HDL nghĩa là có ít cholesterol tốt để loại bỏ cholesterol xấu khỏi động mạch của bạn.
Hoạt động thể chất rất quan trọng. Tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 đến 6 ngày mỗi tuần là đủ để giảm cholesterol và huyết áp cao. Bạn có nhiều lựa chọn như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe...
Tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 đến 6 ngày mỗi tuần là đủ để giảm cholesterol và huyết áp cao. Ảnh: Shutterstock.
Bỏ hút thuốc
Hút thuốc lá và thuốc lá điện tử làm giảm cholesterol HDL. Tệ hơn nữa, khi một người có mức cholesterol không lành mạnh cũng hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng cao hơn bình thường. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim như huyết áp cao và tiểu đường.
Bằng cách bỏ thuốc, người hút thuốc có thể hạ thấp triglyceride và tăng mức cholesterol HDL. Nó cũng có thể giúp giảm tổn thương và cải thiện chức năng động mạch. Người không hút thuốc nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Giảm cân
Thừa cân hoặc béo phì có xu hướng làm tăng nguy cơ tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt. Giảm cân chỉ từ 5% đến 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp cải thiện một số chỉ số cholesterol và các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.
Tuệ Anh