Bệnh nhân là anh N.N.N. (43 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ).
Theo chia sẻ từ bệnh nhân, do khu vực sinh sống của gia đình xuất hiện nhiều kiến, gián nên anh đã pha 5 gói thuốc diệt vào 1,5 lít nước chứa trong chai nhựa trước khi phun. Con gái anh N. lầm tưởng là nước uống nên cho vào tủ lạnh.
Với thói quen uống nước mát hằng ngày, người đàn ông này đã mở tủ lạnh, rót và uống khoảng 200 ml từ chai dung dịch nói trên. Sau uống ít phút, nhận ra chai nước do chính mình pha thuốc diệt kiến trước đó, anh nhanh chóng tự gây nôn, sau đó đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm độc thuốc diệt kiến pyretheroid giờ thứ nhất, chỉ định rửa dạ dày và dùng các thuốc giải độc. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Theo bác sĩ Hà Thị Phương Thúy - Khoa Cấp cứu, Trung Tâm y tế huyện Cẩm Khê, pyrethroids là một nhóm hóa chất diệt côn trùng được sản xuất từ axit pyrethrin hoặc các chất hóa học tương tự. Thông thường, 1 loại thuốc diệt côn trùng thường kết hợp 2 hoạt chất của nhóm pyrethroid.
Khi đưa lượng thuốc lớn vào cơ thể, người uống có thể bị đe dọa tính mạng do thuốc kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm tri giác hay hôn mê, tụt huyết áp, ngứa trên da, đỏ da...
Để sử dụng pyrethroids một cách an toàn, bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện theo các bước sau:
1. Đọc kỹ hướng dẫn và các biện pháp an toàn.
2. Sử dụng đồ bảo hộ cá nhân khi sử dụng các hóa chất pyrethroids.
3. Tránh tiếp xúc với da và mắt khi sử dụng pyrethroids. Nếu bạn tiếp xúc với pyrethroids, hãy rửa sạch với nước muối sinh lý ngay.
4. Luôn bảo quản pyrethroids ở nơi an toàn, tránh để trong tầm tay của trẻ em
5. Tuân thủ đúng liều lượng khi sử dụng pyrethroids.
6. Không nên để pyrethroids hoặc hóa chất có hại trong các chai đựng nước, thực phẩm tránh gây nhầm lẫn.
Minh Hoa (t/h theo Vietnamnet, Người Lao Động)