Thời trang châu Âu trước áp lực chuyển sang mô hình tuần hoàn

Thời trang châu Âu trước áp lực chuyển sang mô hình tuần hoàn
8 giờ trướcBài gốc
Các công cụ pháp luật của EU như Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP) và Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) đang thúc đẩy các nhà bán lẻ thời trang thử nghiệm và mở rộng quy mô các mô hình kinh doanh bền vững hơn.
Bert van Son, người sáng lập Mud Jeans, sử dụng 40% vải denim tái chế để sản xuất quần jeans có thể cho thuê và trả lại. Ảnh: Reuters
Thúc đẩy chiến lược dệt may bền vững
“Bao nhiêu áo quần là quá nhiều?”, Lars Fogh Mortensen, chuyên gia về kinh tế tuần hoàn của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), đặt câu hỏi trong một video đăng trên mạng xã hội. Video có cảnh một đống quần áo được ném vào Mortensen để minh họa cho cách tiêu thụ quần áo, giày dép và các loại hàng dệt may khác ở EU đã đạt mức cao kỷ lục.
Báo cáo của EEA cho biết, trung bình một công dân EU mua 19 kg hàng dệt may vào năm 2022, tăng từ 17 kg vào năm 2019.
EU bắt đầu đưa ra chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn đầy tham vọng vào năm 2022, Thế nhưng, các chuyên gia khí hậu cảnh báo, quá trình chuyển đổi xanh của ngành thời trang nhanh diễn ra quá chậm vì các thương hiệu đang vật lộn cân bằng tăng trưởng và giảm dấu ấn carbon để đáp ứng các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 của EU.
Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU, được thông qua vào năm 2020 như một trong những nền tảng chính của Thỏa thuận Xanh của châu Âu.
Mục đích của kế hoạch là giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và tạo ra tăng trưởng và việc làm bền vững. Điều này có nghĩa là chuyển từ mô hình tuyến tính, trong đó con người tạo ra các sản phẩm mà sau đó trở thành rác thải, sang mô hình tuần hoàn, trong đó vật liệu không bao giờ trở thành rác thải vì chúng được giữ lại trong chu kỳ sản xuất, gây ít tác hại hơn cho thiên nhiên.
Hồi tháng Hai, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt thỏa thuận tạm thời nhằm buộc các nhà sản xuất dệt may, dù có trụ sở tại EU hay bán qua thương mại điện tử, phải tài trợ cho hoạt động thu gom, phân loại và tái chế sản phẩm thông qua các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Chuyên gia Mortensen của EEA ghi nhận, thay đổi mô hình sản xuất và kinh doanh của nghành thời trang đã hoạt động trong nhiều thập niên không phải là điều dễ dàng.
Ông cho biết, một số thương hiệu thời trang có kế hoạch thử nghiệm và mở rộng quy mô các mô hình kinh doanh tuần hoàn bao gồm các hệ thống chia sẻ hoặc cho thuê cũng các chương trình thu hồi quần áo cũ. Nhưng ông cảnh báo, tiến độ chuyển đổi của thời trang nhanh sẽ rất chậm nếu sợi tổng hợp vẫn rẻ hơn nhiều so với sợi tái chế.
Maria Srivastava, giám đốc tác động của Pangaia, một thương hiệu thời trang tập trung vào các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội khẳng định, hiện tại không có thương hiệu nào bền vững 100%.
Bà nhấn mạnh, khả năng truy xuất nguồn gốc và công bố thông tin là yếu tố then chốt thúc đẩy tính bền vững trong ngành thời trang.
Bà nhận định, các công cụ luật pháp do EU đưa ra như Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP) sẽ giúp làm sáng tỏ chuỗi cung ứng vốn nổi tiếng là không minh bạch trên toàn ngành thời trang. DPP là một hệ thống kỹ thuật số lưu trữ và cung cấp thông tin chi tiết về một sản phẩm từ khi sản xuất đến cuối vòng đời, giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc và đánh giá tác động môi trường.
Srivastava cho biết, khách hàng mong đợi nhiều sự minh bạch hơn từ các công ty lớn trong ngành về chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất. Pangaia đặt mục tiêu chuyển hoàn toàn từ vật liệu cotton nguyên chất sang cotton tái chế vào năm 2026.
Trong khi đó, Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR), có hiệu lực năm ngoái, yêu cầu các sản phẩm được thiết kế bền hơn, có thể tái sử dụng, nâng cấp, sửa chữa , tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm tác động môi trường.
Các thương hiệu bắt đầu thử nghiệm mô hình tuần hoàn
Decathlon (Pháp), một trong những nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, đang củng cố mô hình sửa chữa và tái chế. Thương hiệu này gần đây đã tham gia The Fashion ReModel, một sáng kiến về thời trang tuần hoàn của các thương hiệu như H&M, eBay và Tapestry (chủ sở hữu của các thương hiệu Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman). Sáng kiến được triển khai vào năm 2024 nhằm chứng minh rằng các mô hình kinh doanh tuần hoàn như cho thuê, bán lại và sửa chữa sản phẩm thời trang có thể tạo ra doanh thu.
“Đối với người tiêu dùng của chúng tôi, bền vững là một thuộc tính quan trọng chẳng kém yếu tố chất lượng và giá cả”, John Thomas, giám đốc phát triển bền vững toàn cầu của Decathlon nói.
Trong số hơn 1.800 cửa hàng của nhà bán lẻ đồ thể thao này trên toàn thế giới, có hơn 1.700 cửa hàng cung cấp dịch vụ sửa chữa.
Decathlon cho biết doanh số sản phẩm mang tính tuần hoàn chiếm 3,2 % tổng doanh thu toàn cầu của công ty, chủ yếu từ việc hoạt động tái chế xe đạp cũ.
Sau quyết định của EU vào tháng trước cho phép doanh nghiệp trì hoãn báo cáo thẩm định về tính bền vững, Thomas thúc giục các nhà hoạch định chính sách duy trì lộ trình thúc đẩy bền vững các quy định đầy tham vọng, cấp bách và công bằng cho ngành thời trang. Ông muốn Decathlon có thể cạnh tranh ngang bằng với các đối thủ, bao gồm các nền tảng thương mại điện tử như Shein, Temu và Amazon, mà theo ông, đang khai thác các lỗ hổng pháp lý trên thị trường châu Âu.
Đảm bảo các hệ thống sửa chữa được thiết lập để cho phép khách hàng trả lại các mặt hàng để sửa chữa là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tính bền vững. Đây là nguyên tắc chỉ đạo của thương hiệu denim bền vững Mud Jeans của Hà Lan, đang tiên phong cho thuê quần jeans. Quần jeans của Mud Jeans có thể được thuê và sửa chữa, sau đó người mua có thể đổi, tái chế hoặc giữ lại sản phẩm.
Mục tiêu của Bert van Son, người sáng lập Mud Jeans là xây dựng một hệ thống sản xuất khép kín cho quần jeans. Điều này có nghĩa là tất cả quần jeans cũ sẽ được sử dụng sản xuất thành quần jeans mới. Hiện quần jean của thương hiệu này sử dụng tới 40% vải denim tái chế.
Một số công ty lớn hơn trong ngành đã áp dụng các chiến lược tuần hoàn ở quy mô nhỏ, bao gồm trao đổi và bán đồ cũ, nhưng mức giá vẫn còn quá thấp để có thể tạo ra thay đổi đáng kể. Rasmus Nordqvist, nghị sĩ đảng Xanh ở Nghị viện châu Âu cho rằng, các mặt hàng giá rẻ, chất lượng thấp khuyến khích nhu cầu tiếp tục mua sử dụng trong thời gian ngắn rồi vứt bỏ.
Nordqvist đang tiếp tục thúc đẩy đưa tính minh bạch vào các quy định quản lý ngành dệt may. Ông hy vọng toàn ngành thời trang sẽ đóng vai trò tích cực hơn về vấn đề này trong tương lai để chấm dứt thực trang các thương hiệu nhỏ như Mud Jeans hay Pangaia, dù đang đi đầu trong việc áp dụng các mô hình bền vững, phải chất vật cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn vốn chiếm lĩnh thị trường và thường thờ ơ với các vấn đề môi trường.
Theo Financial Times
Chánh Tài
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/thoi-trang-chau-au-truoc-ap-luc-chuyen-sang-mo-hinh-tuan-hoan/