Thơm hương lúa mẹ

Thơm hương lúa mẹ
8 giờ trướcBài gốc
Me kòi từng là nguồn sống chính của cư dân bản địa Tây Nguyên
Thường thì sau con trăng lần thứ tư trong tháng trăng cuối cùng của mùa khô, người bản địa Tây Nguyên tiến hành tra trỉa hạt lúa mẹ giống xuống đất, ôm ủ một mùa vụ lúa mới nây nả những hạt thóc chắc nịch. Trước đó khoảng 6 tháng, già làng đã rảo chân khắp các cánh rừng thưa gần chỗ cư trú (nếu khoảnh rẫy cũ đã đến lúc phải luân khoảnh sang một khoảnh rẫy mới), dòm ngó cánh rừng nào có địa hình phù hợp, rồi xin Yàng cho phép dân bon lấy một phần đất rừng làm rẫy để lo liệu cái ăn. Định xong cánh rừng (đủ diện tích có thể cung ứng một sản lượng thóc đủ cho dân bon ăn trong vòng một năm) thì tới việc chọn thời điểm phát rẫy, tiếp đó là chọn thời điểm đốt những cây rừng đã chặt, thời điểm chọc lỗ để tra trỉa hạt lúa mẹ giống... Tất cả những lần chọn ấy, già làng đều cúng xin Yàng - nghi lễ hằng sống trong tâm thức cư dân bản địa Tây Nguyên.
Dõi mắt nhìn trời rộng thấy những đám mây mang mưa đã vần vũ ở tít tắp phía biển xa, người bản địa Tây Nguyên hiểu rằng, ấy là thời điểm thích hợp để trỉa trồng vụ lúa mới. Dụng cụ chọc lỗ tra hạt lúa mẹ giống của cư dân nơi đây cực kỳ đơn giản - một cây gậy gỗ tròn có chiều dài gấp rưỡi chiều cao của người sử dụng nó, to cỡ cổ tay người lớn, một đầu thì tà, đầu kia vót nhọn để chọc lỗ. Bằng tri giác cùng kinh nghiệm thực tiễn, người bản địa Tây Nguyên đã chọn cây dẻ - loại cây rừng có đặc tính nặng, cứng, dẻo và thẳng - làm dụng cụ chọc lỗ. Thực tế cũng đã chứng minh chỉ loại cây này thì mới đáp ứng đủ độ nặng, độ cứng, độ dẻo dai để đảm bảo việc đâm xuyên qua lớp thảm rễ cây rừng và đất mà vẫn không bị tước ở đầu vót nhọn. Ngày tra trỉa lúa mẹ giống, từng cặp nam - nữ đi từng hàng một, xuất phát từ đỉnh đồi đi về phía chân đồi, nam đi trước chọc lỗ, nữ đi sau tra hạt vào lỗ, rồi dùng chân gạt đất phủ kín hạt giống. Đi từng hàng một nhưng việc chọc lỗ tra hạt lại được quyết định bởi bình độ của quả đồi. Người chọc sẽ căn cứ thực địa bình độ quả đồi rồi đưa ra phương án về khoảng cách giữa các lỗ, về hướng đi sao cho phù hợp nhất. Thành ra khoảng cách giữa các lỗ thường không đều nhau và hàng này với hàng kia cũng không hề thẳng lối. Thế nhưng chính cái cách chọc lỗ dựa trên bình độ của quả đồi này lại vô tình giúp rẫy của cư dân bản địa Tây Nguyên tránh được việc bị xói mòn, rửa trôi đất mỗi khi có trận mưa lớn.
5 ngày, kể từ ngày trỉa, hạt lúa mẹ giống sau khi đã tích đủ ẩm độ thì bắt đầu tách vỏ, nảy mầm len qua lớp đất mỏng đón cái nắng cao nguyên đầu tiên với rất nhiều thách thức đợi sẵn phía trước. Trải chịu thời tiết nóng lạnh bất thường, kham nhẫn với những trận trận mưa dầm dề, lúc thắt khi thả, đi kèm những cơn gió thốc tứ bề trong vòng đời 6 tháng, cây lúa mẹ ngày đêm miệt mài tích nắng, gom mưa để làm nên cái nguồn sống cho người bản địa Tây Nguyên. Ơn nguồn sống nuôi sống mình, cư dân bản địa Tây Nguyên đã dành cho cây lúa mẹ rất nhiều nghi lễ thiêng liêng. Nó không chỉ là hành động tôn vinh sự nhọc nhằn của cây lúa mẹ, còn là lễ nghi tỏ bày niềm kính ngưỡng đối với cây lúa mẹ đã gánh chịu mọi khắc nghiệt của tự nhiên giống như người mẹ vui nhận sống kham khổ để nhường phần sữa tốt nhất cho con.
Rẫy chợt rùng mình bởi những cơn gió bất thường trỗi lên tứ phía. Sương mưa ẩm phủ trên bề mặt hạt thóc chùng chình rớt, ánh lên sắc vàng của nắng. Mùa lúa mẹ chín bắt đầu từ đấy. Từng tốp người vai mang gùi, đi từ dưới chân đồi đi lên đỉnh đồi, tay thoăn thoắt suốt những ghé lúa căng mẩy, rồi lẹ làng chất đầy gùi lúa, nha nhẩn niềm vui sướng vì mùa vụ mới có nhiều hạt thóc to nặng. Tất nhiên, người bản địa Tây Nguyên sẽ không bao giờ quên trả ơn đất trời đã có công ủ dưỡng cây lúa mẹ bằng việc chừa lại một vài hàng lúa sát mé rẫy.
Đời sống biến chuyển, cây lúa mẹ nây nả thơm hương bỗng dưng mất đi trong đời sống cư dân bản địa Tây Nguyên như tiếng chiêng thiêng đã dần mất đi không gian đại ngàn huyền bí, như tiếng thì thào của những đêm khan đã mất đi trong miền mơ tưởng... Quy luật đời sống là vậy, cái cũ mất đi tạo điều kiện cho cái mới xuất hiện! Nhu cầu ăn no đã được thay thế bởi nhu cầu ăn ngon. Thậm chí, ăn đã được nâng lên mức nghệ thuật. Cây lúa mẹ - nguồn sống chính của người bản địa Tây Nguyên - vì thế đành lui về quá khứ, nhường chỗ cho những điều mới mẻ, ăn ngon, ăn nghệ thuật.
TRỊNH CHU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/doi-song/202502/thom-huong-lua-me-4c076f9/