Hồng y Robert Francis Prevost đã chính thức trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo La mã vào tối 8/5 (theo giờ địa phương), lấy tông hiệu là Leo XIV.
Giáo hoàng Leo XIV giơ tay từ ban công. Ảnh: Vatican Media.
Tân Giáo hoàng mở đầu bài phát biểu bằng lời cầu chúc “Bình an cho tất cả mọi người”, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với các Hồng y và tín đồ đã cầu nguyện cho ngài trong suốt thời gian mật nghị. Điểm nhấn trong phát biểu là lời kêu gọi hòa bình, sự tha thứ và hiệp nhất. Tân Giáo hoàng khẳng định Giáo hội cần trở thành một nhịp cầu giữa con người với con người, đặc biệt trong một thế giới đang ngày càng chia rẽ.
Ngài kêu gọi các tín đồ không để mất hy vọng, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết và lòng bác ái trong đời sống thường nhật: "'Bình an cho tất cả anh chị em. Đây là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh, Người Chăn Chiên Nhân Lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng muốn lời chào bình an này đến với tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu, đến với tất cả mọi dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội xây dựng những cây cầu và đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta tại quảng trường này."
Bài phát biểu ngắn gọn nhưng sâu sắc đã để lại ấn tượng mạnh với nhiều người, không chỉ trong cộng đồng Công giáo mà còn với toàn thế giới khi đề cao đối thoại và lòng nhân ái. Các nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt gửi lời chúc mừng. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã chúc mừng Giáo hoàng Leo XIV và cho biết ông mong muốn xây dựng di sản hợp tác lâu dài giữa Liên hợp quốc và Tòa thánh. Ông nhấn mạnh việc bầu tân Giáo hoàng là khoảnh khắc có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới, diễn ra vào thời điểm toàn cầu đang có những thách thức lớn và cần có những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho hòa bình, công lý xã hội, phẩm giá con người và lòng trắc ẩn.
Tổng thống Mỹ bày tỏ sự kỳ vọng rằng tân Giáo hoàng sẽ tiếp tục sứ mệnh cổ vũ công lý, bác ái và gìn giữ phẩm giá con người, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc Tân Giáo hoàng thành công trong việc hoàn thành sứ mệnh cao cả được giao phó, cũng như sức khỏe và hạnh phúc. Trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, những thông điệp chúc mừng đã được gửi tới tân Giáo hoàng thể hiện sự tôn trọng và kỳ vọng vào vai trò của Giáo hoàng trong việc kiến tạo hòa bình và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Không chỉ các nhà lãnh đạo, người dân trên khắp thế giới cũng đã chia sẻ niềm vui và cảm xúc, bày tỏ lời chúc mừng và hy vọng vào sự hợp tác vì một thế giới hòa bình, cùng tồn tại trong tôn trọng lẫn nhau.
“Tôi nghĩ Tân Giáo hoàng sẽ tiếp tục công việc của cố Giáo hoàng Francis, giúp đỡ những người cần nhất, luôn cố gắng ngăn chặn chiến tranh thay vì tiếp tục chiến tranh.”
“Thời gian để quyết định và bỏ phiếu bầu một Giáo hoàng mới rất ngắn. Ông ấy được chào đón. Tôi hy vọng Chúa sẽ chăm sóc ông ấy, bảo vệ ông ấy và tiếp tục ban phước cho chúng ta.”
“Tôi đã nghe tin chúng ta có một Giáo hoàng mới. Đó là tin tốt lành cho toàn thế giới. Theo như tôi biết, ông ấy là người Mỹ, Leo XIV . Từ Bolivia, chúng tôi cầu mong Giáo hoàng mới sẽ luôn làm việc vì sự thống nhất của thế giới, sự hòa thuận của các gia đình và chấm dứt chiến tranh.”
Hy vọng hòa bình phát đi từ tân Giáo hoàng
Khi tên của vị Tân Giáo hoàng được xướng lên, nhiều tiếng thì thầm thắc mắc vẫn vang lên trên Quảng trường Thánh Peter ở trung tâm Thủ đô Roma. “Prevost ? Đó là ai ?”.
Có lẽ đối với Hồng y đoàn, ông là một gương mặt được nhiều người biết đến nhờ giữ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục - cơ quan quyền lực của Vatican phụ trách việc bổ nhiệm và giám sát các giám mục trên toàn cầu. Nhưng đối với công chúng nói chung, Tân Giáo hoàng Leo XIV là một ẩn số.
Giáo hoàng Leo XIV gia nhập Dòng Thánh Augustino năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1982. Trước khi được bầu, Giáo hoàng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình phục vụ tại Peru, nơi từng đảm nhận nhiều vai trò như linh mục xứ, quan chức giáo phận và giáo sư chủng viện.
Với kinh nghiệm làm việc ở châu Mỹ Latinh, Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng sẽ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề toàn cầu như bất bình đẳng kinh tế, biến đổi khí hậu và các thách thức mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Lòng trắc ẩn và sự khiêm nhường là những phẩm chất nổi bật, có thể giúp Giáo hoàng Leo XIV xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tín hữu và các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Mặc dù được sinh ra tại thành phố Chicago, thuộc bang Illinois của nước Mỹ nhưng ông Prevost chưa bao giờ là một giáo sĩ Công giáo Mỹ điển hình. Một phần do ông được sinh ra trong một gia đình mang dòng máu Tây Ban Nha, Pháp và Italia.
Thuộc dòng tu Augustinô, ông thụ phong linh mục năm 1982, lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas ở Rome trước khi tới Peru để làm nhà truyền giáo, linh mục giáo xứ, giảng viên thần học và sau này là giám mục trong gần hai thập kỷ. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustinô, đưa ông đến với các cộng đoàn dòng tu khắp thế giới.
Cá tính của vị Giáo hoàng mới
Những người từng biết ông ở Peru đều nhận xét ông một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, vững vàng và luôn cùng các linh mục chia sẻ bữa ăn sau buổi cầu nguyện sáng. Vào tháng 1/2023, Giáo hoàng Francis đã phong ông Prevost làm Hồng y và trên hết là bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Ngay trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, Tân Giáo hoàng Leo XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, đối thoại và truyền giáo. “Các bạn, xin giúp chúng tôi, cùng nhau, xây dựng những cây cầu hướng đến đối thoại, hướng đến gặp gỡ, đoàn kết tất cả chúng ta để trở thành một dân tộc luôn hòa bình”.
Dù còn quá sớm để có thể khẳng định đường lối của triều đại Giáo hoàng mới nhưng với việc lựa chọn tông hiệu là Leo, vị Tân Giáo hoàng đã hé lộ cho công chúng biết một phần nào đó những tiêu chí của mình. Theo các nhà nghiên cứu, cái tên Leo tượng trưng cho “một giáo hoàng mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng”, cho thấy cam kết của tân Giáo hoàng đối với các vấn đề xã hội năng động, sự quan tâm đến những người nghèo khổ, những người nằm ở ngoài lề và bị lãng quên.
Với tư cách là cộng sự thân cận của Đức Giáo hoàng Francis, tân Giáo hoàng Leo XIV được cho là sẽ tiếp nối đường hướng cải cách của người tiền nhiệm. Tuy nhiên các giám mục thân cận đánh giá Tân Giáo hoàng có thể có phong cách điều hành kín đáo hơn.
Leo là một tông hiệu khá phổ biến, hiện đồng xếp hạng ở vị trí thứ 4 cùng với tông hiệu Clement, trên bảng tông hiệu được sử dụng nhiều nhất, sau tông hiệu John được sử dụng 22 lần, Benedict và Gregory được sử dụng 16 lần.
Tông hiệu Leo cũng cho thấy Tân Giáo hoàng muốn quay lại với những giá trị truyền thống, tiếp nối bước đi của những tiền bối. Giáo hoàng gần đây nhất chọn tông hiệu Leo là Giáo hoàng Leo XIII, người trị vì Giáo hội Công giáo từ năm 1878 đến 1903 và luôn nhấn mạnh đến quyền của người lao động cũng như giáo huấn xã hội Công giáo.
Được bầu làm Giáo hoàng ở tuổi 69, Giáo hoàng Leo XIV trẻ hơn so với 2 người tiền nhiệm của mình. Đức Giáo hoàng Francis tại vị năm 76 tuổi và Đức Giáo hoàng Benedict XVI năm 78 tuổi. Tuy nhiên Giáo hoàng Leo XIV lại lớn tuổi hơn một chút so với độ tuổi trung bình của các Giáo hoàng trong thế kỷ 19 và 20 (từ Pius X đến Francis), là 67 tuổi.
Thu Hoài/VOV1, Anh Tuấn/VOV-Paris