Chiều nay, 16/5, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Theo Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Nội vụ và T.Ư các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nghiên cứu, rà soát, đề xuất và xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Dự án Luật được xây dựng rất khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ với quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”
Sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đã cung cấp thông tin trao đổi làm rõ hơn một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam và dự thảo Luật.
Theo đó, đối với nội dung bổ sung quy định “các tổ chức CT-XH trực thuộc MTTQ Việt Nam” tại khoản 2 Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013 và tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đa số đại biểu Quốc hội tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Hiến pháp liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến băn khoăn quy định các tổ chức CT-XH trực thuộc MTTQ Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 trong điều kiện MTTQ Việt Nam là liên hiệp tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”.
“Về nội dung này, từ giai đoạn xây dựng Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành T.Ư Đảng đã được Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể T.Ư nghiên cứu kỹ, thảo luận, thống nhất cao. Khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Đảng ủy đã căn cứ các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Đảng”- ông Hoàng Công Thủy thông tin.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy làm rõ một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và dự thảo Luật
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc giải quyết mối quan hệ “trực thuộc” và phát huy tính “chủ động, sáng tạo” của mỗi thành viên sẽ được điều chỉnh cụ thể trong các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; về cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã (thay thế Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư); về quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở T.Ư (thay thế Quyết định 118-QĐ/TW của Ban Bí thư).
Điều lệ MTTQ Việt Nam và điều lệ của các tổ chức cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp mô hình tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sau sắp xếp.
“Căn cứ các cơ sở chính trị đã có, việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và tại khoản 2, Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, về tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn trong thời gian tới”- ông Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, đề cập việc sửa đổi, bổ sung vị trí, nhiệm vụ, tổ chức công đoàn tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 và tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan hệ thống tổ chức của công đoàn để đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và điều chỉnh tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ NSNN để thực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam; bảo đảm tổ chức công đoàn chủ yếu ở các DN, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Cùng đó, dự thảo Luật điều chỉnh quy định liên quan đối tượng đóng kinh phí công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn để phù hợp với tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn.
Đề cập hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện hoặc thống nhất với các tổ chức CT-XH trong thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội; các tổ chức CT-XH chủ trì các nội dung giám sát, phản biện trên cơ sở thống nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam (tại khoản 1 Điều 25, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 32 Luật MTTQ Việt Nam).
“Quy định này vừa bảo đảm nguyên tắc các tổ chức CT-XH cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức CT-XH. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tại dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung đồng thời các quy định về giám sát, phản biện của công đoàn tại khoản 2, Điều 16 Luật Công đoàn và của Đoàn Thanh niên tại khoản 2, Điều 28 Luật Thanh niên” - ông Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Đối với việc sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tổ chức của Đoàn TNCS tại Luật Thanh niên, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ, dự thảo Luật chỉ sửa đổi quy định tại 2 Điều để khẳng định Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam; mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đoàn Thanh niên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm thống nhất với nội dung sửa đổi của Luật MTTQ Việt Nam.
Đối với vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới tổ chức bộ máy tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo Hoàng Công Thủy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tập trung vào một số nội dung: các quy định để thực hiện chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; các quy định liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và trách nhiệm của Bộ Nội vụ tiếp nhận các nhiệm vụ quản lý về thực hiện dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động khi không còn Bộ LĐ-TB&XH.
Đồng thời, bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức công đoàn, ban chấp hành công đoàn tại các cơ quan, đơn vị không có tổ chức công đoàn cơ sở khi thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam (theo Nghị quyết 60-NQ/TW).
Thể hiện được tính linh hoạt, chủ động của các tổ chức CT-XH
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, cho ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bày tỏ đồng tình với nội dung sửa đổi tại Dự án Luật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam “Các tổ chức CT-XH (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội CCB Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” khá tương đồng với nội dung sửa đổi tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu Hiến pháp được sửa đổi thì nội dung này cần thống nhất hoàn toàn về nội dung, cách viết để tránh nhầm lẫn.
“Cụm từ “trực thuộc” là nội dung quan trọng, thể hiện rõ quan điểm từ các văn bản, chủ trương của Đảng, bảo đảm được sự rõ ràng về mối quan hệ quản lý, trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm về chính trị của các tổ chức. Nếu không quy định cụm từ này sẽ không diễn đạt được nội dung của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, cách quy định “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” rất đúng với tình hình hiện nay, đồng thời thể hiện được tính năng động, linh hoạt và chủ động của các tổ chức CT-XH”- bà Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu
Đồng quan điểm đưa cụm từ “trực thuộc” vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi nhận định, khi sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, việc đưa cụm từ “trực thuộc” là phù hợp nhằm bảo đảm sự thống nhất đối với nội dung đề cập tại Điều lệ MTTQ Việt Nam đã ban hành, trong đó đề cập nội dung “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ cho rằng, đối với nội dung sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Luật MTTQ Việt Nam quy định về “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước”, cũng đã có trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vì vậy không nên đưa vào quy định tại điều này, bởi hiện đã có quy định chi tiết tại Điều 24 Luật MTTQ Việt Nam về tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước. Mặt khác, quy định việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ, vì còn phải phản ánh tới cơ quan Đảng.
Đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam, ông Vi Đức Thọ đề nghị, để làm rõ hơn trong Dự thảo Luật và triển khai hiệu quả hơn, cần bổ sung thêm quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với các tổ chức CT-XH và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tại Điều 3 Luật MTTQ Việt Nam.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Luật Công đoàn về “đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”, đại biểu này đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc bỏ cụm từ “công chức”. “Với dự kiến hiện nay là kết thúc công đoàn trong cơ quan nhà nước hưởng lương 100%, Ban Thanh tra Nhân dân sẽ được giới thiệu thế nào và hoạt động ra sao? Do đó cần cân nhắc thêm về quy định này”- ông Vi Đức Thọ kiến nghị.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo đều là những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, kết luận Hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp, đồng hành với MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Mục đích là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Linh Nguyễn