* Bổ sung thành viên, ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029
Chiều 16/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh lần thứ 4, khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029 để lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Hiệp thương bổ sung tổ chức thành viên và ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại biểu tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: THÚY HẰNG
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các tổ chức thành viên, ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Hữu Thế nêu rõ: Dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp lần này là một văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, phạm vi sửa đổi tập trung vào ba nhóm nội dung lớn. Thứ nhất, sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp nhằm khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Mặt trận không chỉ là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương và đơn vị hành chính, dự thảo đề xuất sửa đổi từ mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) sang mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã), đồng thời quy định rõ việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025. Thứ ba, sửa đổi các quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, chỉ còn duy nhất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được giữ quyền này, thể hiện sự tập trung, thống nhất đầu mối, đồng thời nâng cao vị thế, trách nhiệm của mặt trận trong quá trình xây dựng pháp luật.
Các đại biểu cũng đã góp ý làm rõ những nội dung nêu trên, đồng thời khẳng định dự thảo nghị quyết lần này không chỉ mang tính kỹ thuật lập hiến, mà còn liên quan sâu sắc đến quyền, lợi ích của Nhân dân, tổ chức bộ máy của các cấp chính quyền địa phương, cũng như vai trò của mặt trận và các tổ chức thành viên.
Các đại biểu giơ tay nhất trí bổ sung Hội Yến sào tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: THÚY HẰNG
Tại hội nghị, các đại biểu đã hiệp thương và thống nhất bổ sung Hội Yến sào tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia vào tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029; các ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh; Nguyễn Tấn Thuần, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh chúc mừng các ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh; Nguyễn Tấn Thuần, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: THÚY HẰNG
* Cùng ngày, Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; nguyên lãnh đạo, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ thành phố và lãnh đạo các tổ chức thành viên.
Các đại biểu tham gian hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do MTTQ TP Tuy Hòa tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG
Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã tham gia góp ý kiến vào nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 so với quy định hiện hành của Hiến pháp, trong đó tập trung thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của mặt trận và các tổ chức thành viên của mặt trận tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84.
Đa số các ý kiến bày tỏ nhất trí và đồng thuận cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị hiện nay.
THÚY HẰNG