Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo lão thành tham dự buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). (Ảnh: TRẦN HẢI)
Để việc sáp nhập các cơ quan báo chí diễn ra thuận lợi, trước đó, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ban hành Công văn ngày 27/6 về việc thực hiện sáp nhập cơ quan báo chí địa phương, triển khai thống nhất và tên gọi cơ quan báo chí địa phương sau sáp nhập.
Cụ thể, cơ quan báo và các đài phát thanh, truyền hình gắn liền với tên địa phương (thí dụ: Báo và Phát thanh, Truyền hình Đà Nẵng; Báo và Phát thanh, Truyền hình Ninh Bình…). Trong đó, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí sau sáp nhập là Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Các báo điện tử của hàng loạt địa phương đã chuyển sang vận hành theo địa chỉ tên miền tỉnh, thành phố mới.
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lưu Đình Phúc cho biết: “Cuộc cách mạng lần này đã giảm 38 báo, gần 100 tạp chí, 33 đài phát thanh-truyền hình. Đây cũng là yêu cầu tất yếu, báo chí cần đổi mới chính mình để trở nên chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại hơn”.