Các đại biểu tham dự kỳ họp
Quyết nghị những vấn đề mang tính bước ngoặt chiến lược
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản, Kỳ họp thứ 27 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt, không chỉ đối với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện tại, mà còn có tầm ảnh hưởng chiến lược tới tương lai lâu dài của cả vùng đồng bằng sông Hồng và của đất nước. Trong đó, có 2 vấn đề lớn, mang tính bước ngoặt chiến lược đối với quá trình phát triển bền vững và toàn diện của tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới, gồm: xem xét, cho ý kiến và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; thảo luận và thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình để thành lập tỉnh Hưng Yên mới…
Chủ tọa điều hành kỳ họp
Trước những nội dung trọng tâm và có ý nghĩa lịch sử và đặc biệt quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, phát huy trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới và hành động vì lợi ích chung của tỉnh; dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo và tài liệu liên quan; thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan, trên tinh thần xây dựng và đồng thuận cao.
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh, việc xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh và chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình để thành lập tỉnh Hưng Yên mới là 2 nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ tinh thần quán triệt các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới. Việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, mà còn là sự cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương.
Qua rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện và thận trọng, tỉnh Hưng Yên đã xác định lộ trình và phương án sắp xếp đối với 139 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 33 xã và 6 phường mới sau khi sáp nhập. Đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt: pháp lý, tổ chức, cán bộ, hạ tầng, tài chính - ngân sách và đặc biệt là công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản phát biểu tại kỳ họp
Về sắp xếp hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản cho biết: HĐND tỉnh đã cân nhắc kỹ lưỡng, phân tích đa chiều và thống nhất cao với tờ trình của UBND tỉnh. Theo đó, việc sắp xếp không chỉ là cơ học - cộng gộp về địa giới hành chính, mà quan trọng hơn là sự hòa nhập văn hóa, hài hòa tổ chức, thống nhất phương thức quản lý, đồng thuận trong cộng đồng. Sự thành công, hiệu quả của việc sắp xếp phụ thuộc vào cách triển khai từng bước, từng giai đoạn sau kỳ họp.
Khẩn trương cụ thể hóa các nghị quyết
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã xem xét, thông qua các nghị quyết về việc: Xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2024; bù đắp nguồn và điều chỉnh giảm kế hoạch vốn do giảm thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh, thu xổ số kiến thiết năm 2024; phân bổ bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý (lần 2); điều chỉnh nhu cầu, nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 sau khi hoàn thành sắp xếp bộ máy của các cơ quan, đơn vị; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh và thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất bổ sung năm 2025.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 3.11.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị, UBND tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương để hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh với lộ trình rõ ràng, phân kỳ từng giai đoạn thực hiện, xác định các mốc chính trị, pháp lý, tổ chức bộ máy, chuyển giao tài sản, tài chính, ngân sách, nhân sự. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, để cử tri và nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Toàn cảnh kỳ họp
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa các nghị quyết đã được thông qua bằng các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ rõ ràng; xác định rõ thời hạn hoàn thành, bảo đảm hiệu quả và thực chất. Đồng thời, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò người đại biểu của dân, gắn bó chặt chẽ với cử tri, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Huyền Loan