Thông tin là 'chìa khóa vàng' trong kiểm tra chuyển giá

Thông tin là 'chìa khóa vàng' trong kiểm tra chuyển giá
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động do cuộc chiến thương mại giữa một số quốc gia ngày càng leo thang, dịch chuyển chuỗi cung ứng và cạnh tranh thuế suất toàn cầu, hoạt động giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp (đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia) ngày càng phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát hơn bao giờ hết.
Thu thập thông tin chính là giải pháp tối ưu nhất cho ngành thuế kiểm tra các giao dịch liên kết - Ảnh: IT
Năm 2024 là một năm bản lề trong "cuộc chiến" chống chuyển giá, với nhiều kết quả mang tính đột phá. Trên phạm vi toàn quốc, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 919 doanh nghiệp (DN) có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả, tổng số tiền truy thu, truy hoàn và xử phạt lên tới 1.780,11 tỉ đồng, cho thấy mức độ nghiêm trọng và phổ biến của hành vi chuyển giá trong hệ thống DN hiện nay.
Từ hoạt động kiểm tra này, cơ quan thuế đã giảm lỗ hơn 9.143,64 tỉ đồng, giảm khấu trừ thuế 89,24 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 6.256 tỉ đồng. Đặc biệt, công tác kiểm tra chuyển giá đã góp phần truy thu 710,79 tỉ đồng, giảm lỗ 4.047,57 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.395,32 tỉ đồng.
Trong số các DN được kiểm tra, khối DN FDI tiếp tục là nhóm trọng điểm với nhiều rủi ro tiềm ẩn về giao dịch liên kết. Năm 2024, 253 DN FDI có giao dịch liên kết đã được thanh tra, kiểm tra. Kết quả, đã truy thu, truy hoàn và xử phạt được 998,33 tỉ đồng, giảm lỗ 4.017,87 tỉ đồng, giảm khấu trừ thuế 23,77 tỉ đồng và tăng thu nhập chịu thuế 4.087,20 tỉ đồng.
Chuyển giá không còn là vấn đề nội tại của một quốc gia, mà đã trở thành thách thức xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Chính vì vậy, Việt Nam không thể đơn độc trong "cuộc chiến" này. Những năm gần đây, ngành thuế Việt Nam đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết hơn 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tham gia Diễn đàn BEPS (Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận) và tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như OECD, JICA, WB...
Phó cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh: Năm 2025 là năm thách thức đối với quản lý thuế khi "cơn bão" thuế quan giữa các nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính trị toàn cầu đang tác động trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, hiện tượng chuyển giá, né tránh nghĩa vụ thuế tại các DN có giao dịch liên kết ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt thông qua các chính sách giá nội bộ tập đoàn nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế, làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Trước thực tế đó, việc hoàn thiện cơ chế quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, ngăn ngừa hành vi chuyển giá không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo vệ lợi ích ngân sách quốc gia và giữ vững môi trường đầu tư lành mạnh.
"Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra ngành thuế, trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt quản lý với các DN có giao dịch liên kết thông qua trao đổi thông tin với các diễn đàn quốc tế, các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, phối hợp trong vấn đề triển khai các quy định mới về thuế tối thiểu toàn cầu, tiến tới thay đổi, sửa đổi quy định về thỏa thuận APA theo Luật Quản lý thuế", Phó Cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định.
Chia sẻ về phương thức kiểm tra giao dịch liên kết, ông Noguchi, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết thu thập thông tin chính là "chìa khóa vàng" trong kiểm tra chuyển giá. Việc thuyết phục DN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác không hề đơn giản, đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, đàm phán, hiểu biết sâu về luật pháp và mô hình hoạt động của DN.
Thông tin cũng chính là điều kiện then chốt trong hệ thống giải pháp kiểm tra các DN có giao dịch liên kết của Chi cục Thuế khu vực III, khi đang trực tiếp quản lý hơn 1.000 DN FDI (tại Hải Phòng và Quảng Ninh). Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực III Nguyễn Tiến Trường cho biết, ngay từ quý 3/2024, Chi cục đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ chuyên trách, đồng thời tăng cường phân tích dữ liệu và nâng cao kỹ năng đàm phán của cán bộ kiểm tra.
Trước các hành vi chuyển giá ngày càng tinh vi thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu, việc xây dựng bộ máy chuyên trách và quy trình tương tác liên tục giúp các chi cục thuế khu vực tăng cường hiệu quả phát hiện và xử lý vi phạm. Kết quả cho thấy, năm 2024 và quý 1/2025, Chi cục Thuế khu vực III đã thực hiện 82 cuộc kiểm tra các DN có giao dịch liên kết với tổng số giá trị điều chỉnh thị trường là 2.219 tỉ đồng, thu ngân sách đạt 159 tỉ đồng.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thong-tin-la-chia-khoa-vang-trong-kiem-tra-chuyen-gia-231864.html