Chị Lê Thị Ngọc Hà, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, mong muốn sớm được tuyển dụng vào biên chế để tiếp tục yên tâm cống hiến và ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, đơn vị đang khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp xây dựng phương án tuyển dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (mới) chưa được tuyển dụng vào biên chế. Đây là nội dung được thực hiện theo Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 30/6/2025, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định này đã mở ra cơ hội đặc biệt cho đội ngũ trí thức trẻ từng tình nguyện về xã công tác lâu năm nhưng chưa được bố trí biên chế chính thức.
Theo Sở Nội vụ, hiện nay, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đang công tác tại nhiều xã, phường thuộc các địa phương mới hình thành sau sáp nhập. Và phần lớn vẫn giữ hợp đồng lao động theo đề án cũ. Trong đó, có nhiều trường hợp đã gắn bó hơn 10 năm tại vùng đặc biệt khó khăn.
Sau khi hoàn thiện phương án, Sở Nội vụ sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai quy trình tuyển dụng. Việc xét tuyển dự kiến áp dụng quy trình như các trường hợp tuyển dụng công chức khác, thành lập hội đồng xét tuyển và thực hiện tiếp nhận qua hình thức phỏng vấn.
Việc triển khai thực hiện Nghị định số 170/2025/NĐ-CP của Chính phủ và sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời, đầy trách nhiệm của Sở Nội vụ là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội đặc biệt đối với các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ chưa được tuyển dụng vào biên chế công chức, viên chức.
Như đã thông tin, tại điểm h, Điều 13, Mục 4, Chương II của Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định rõ đối tượng tiếp nhận vào làm công chức: Đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 đang ký hợp đồng lao động làm việc tại xã (trước ngày 1/7/2025) vào làm việc tại xã (kể từ ngày 1/7/2025).
Bên cạnh đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, Nghị định cũng quy định nhiều nhóm đối tượng khác được xét tuyển làm công chức, như viên chức đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã hoặc những trường hợp được tuyển dụng vào các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Chị Lê Thị Ngọc Hà, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, chia sẻ: “Tôi đã làm việc tại xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (cũ) từ năm 2015. Đến nay, chúng tôi vẫn chỉ hợp đồng lao động, chưa được tuyển dụng chính thức. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có quyết định cụ thể để ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó”. Từ đầu tháng 7/2025, chị Hà được điều động về làm chuyên viên Phòng Kinh tế của xã Bắc Trạch, tỉnh Quảng Trị, tiếp tục hợp đồng đến hết năm 2025 theo kế hoạch sắp xếp bộ máy mới.
Các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trước cơ hội đặc biệt được tuyển dụng vào biên chế công chức.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình (cũ), tỉnh luôn quan tâm và có chính sách ưu tiên cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Tuy nhiên, trong những năm qua, địa phương đã trải qua nhiều đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí biên chế.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã 3 lần thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy, dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, công chức. Do không có biên chế nên các địa phương chưa có phương án sắp xếp, tuyển dụng đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ chưa được tuyển dụng vào biên chế.
Năm 2025, tỉnh tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, số cán bộ, công chức toàn tỉnh tiếp tục dôi dư nhiều nên việc bố trí biên chế cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ còn lại càng thêm khó khăn.
Do đó, tại tỉnh Quảng Bình (cũ) chỉ mới bố trí được 3 đội viên vào làm việc lâu dài, 1 người xin nghỉ việc và còn 11/15 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ chưa được tuyển dụng vào biên chế công chức, viên chức.
Thành Quảng