Thông tư về dạy thêm, học thêm gây tranh cãi vì xung đột lợi ích?

Thông tư về dạy thêm, học thêm gây tranh cãi vì xung đột lợi ích?
3 giờ trướcBài gốc
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025 gây tranh cãi với rất nhiều ý kiến khác nhau. Thông tư này khiến phần lớn giáo viên và phụ huynh chưa hài lòng vì xung đột lợi ích của cả hai bên.
Thứ nhất, về phía giáo viên, một bộ phận thầy cô giáo quen có thu nhập "cao" do dạy thêm, học thêm mà có thì nay họ lên tiếng kêu ca vì "thất thu" vì sự tác động ít nhiều của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Vậy nên, không ít giáo viên bàn nhau "lách luật" bằng hình thức dạy thêm online qua một số phần mềm như Zoom, Meet,… hay dạy nhóm nhỏ dưới hình thức "kèm free" (miễn phí) cho học sinh yếu kém (tất nhiên là thỏa thuận ngầm giữa phụ huynh và giáo viên).
Có thể nhận thấy, những giáo viên này đang tự hạ thấp giá trị bản thân vì đồng tiền. Hãy nhìn lại bộ phận giáo viên chuyên trách, giáo viên bộ môn từ khi vào ngành với mức lương cơ bản họ vẫn sống và tận tụy với công việc giảng dạy chuyên môn của mình. Thay vì kiếm tiền từ dạy thêm, học thêm, giáo viên hãy tăng thu nhập bằng việc làm thêm khác để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục.
Thứ hai, một bộ phận phụ huynh đặt công việc, sự ưu tiên về thu nhập là trên hết nên cho con học thêm với lý do "không đi học thêm ở nhà chúng nó xem TV, điện thoại, chơi game cả ngày" hay "không ai trông coi chúng nó". Những phụ phụ huynh này xem trách nhiệm nuôi dạy con là của giáo viên và nhà trường, còn ba mẹ và ngôi nhà chỉ là "cây ATM" và "khách sạn" dừng chân mỗi tối.
Chúng ta nên nhìn nhận lại rằng con cần nuôi dạy và quan tâm từ gia đình nhiều hơn là nhà trường. Học sinh cần học ở trường, học ở xã hội và học trong chính gia đình mình nữa, đâu chỉ nhồi vào não con trẻ toàn là sách vở, kiến thức.
Chúng ta hãy xem Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là "cứu cánh" thời gian và tuổi thơ cho con trẻ thay vì nhồi sọ, nuôi dạy con em theo kiểu "công nghiệp". Và sự sắp xếp thời gian trông coi con em sau giờ học là trách nhiệm giáo dục riêng của gia đình.
Thứ ba, một số bộ phận phụ huynh nghĩ rằng "giáo viên không dạy hết kiến thức cho con, để dành đi học thêm" hay "chương trình nặng quá, không học thêm thì không thể dung nạp hết lượng kiến thức" hoặc "không học thêm thì thầy cô giáo trù dập, ngó lơ".
Chính tư tưởng nhượng bộ, lo sợ và nuông chiều con cái quá nhiều nên mới góp phần tạo ra nhiều hệ lụy cho giáo dục hiện nay. Phụ huynh mong mỏi thành tích của con để khoe hay ganh đua với nhau? Một đứa trẻ giỏi trên trường lớp chưa chắc ra đời đã kiếm nhiều tiền hay giao tiếp, ứng xử giỏi. Chúng ta thôi nhìn vào bảng điểm của con mà kỳ vọng, thay vào đó hãy nhìn vào tuổi thơ của con, tính cách và mỗi ưu điểm riêng của con mình để hài lòng.
Thứ tư, phụ huynh nên biết rằng, không phải đứa trẻ nào cứ học toán hay tiếng Việt là cái gì cũng giỏi. Phụ huynh chỉ nhìn vào bảng điểm để đánh giá, gật gù… môn trọng môn khinh, lệch lạc từ suy nghĩ của người lớn đã thúc đẩy sự chủ quan của học sinh. Bệnh thành tích tồn tại ngay cả trong gia đình chứ không phải chỉ có ở trường học.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng như cái gì mới thì đều khó, nhưng nếu nghiêm chỉnh thực hiện thì giảm thiểu được khá nhiều hệ lụy. Muốn biết hiệu quả của Thông tư này đến đâu, phải có thời gian áp dụng và kiểm nghiệm thực tế, chỉnh sửa và bổ sung.
Ly Hương
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/thong-tu-ve-day-them-hoc-them-gay-tranh-cai-vi-xung-dot-loi-ich-179250212144152507.htm