Để được chứng nhận này, nhà vườn phải có diện tích từ 500-800 m2, thu nhập cao hơn thu nhập bình quân của người dân địa phương từ nhà vườn, có giá trị lưu vườn ước tính đạt trên 2 tỷ đồng…
Ông Tạ Hoàng Nguyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, thông tin, năm 2024, Hội đã khảo sát trên 20 nhà vườn, có 8 nhà vườn được vinh danh là Nhà vườn Sinh vật cảnh tiêu biểu cấp Quốc gia.
Chăm sóc một hoặc vài cá thể trong hệ sinh vật cảnh khá đơn giản, nhưng đối với những nhà vườn sinh vật cảnh tiêu chuẩn quốc gia lại khác: khuôn viên rộng, cây cảnh nhiều, số lượng cây có giá trị lớn... Ðể nhà vườn phát triển tốt, ít hao hụt thì thời gian và công sức bỏ ra rất nhiều.
Sự xuất hiện của những nhà vườn tiêu biểu cấp quốc gia là minh chứng rõ nét cho diễn tiến của thú chơi sinh vật cảnh ngày nay.
Ông Nguyên phân tích, thú chơi cây có nhiều tiểu tiết. Trong đó, bonsai được nhiều người ưa chuộng, nhưng ít người chạm đến vì sự kỳ công. Những nhà vườn đạt chuẩn quốc gia hiện tại có khá nhiều sản phẩm bonsai thành phẩm. Ðiều này cho thấy, quá trình hình thành nhà vườn tiêu chuẩn quốc gia là kỳ công và chiếm số ít trong tổng thể nhà vườn hiện hữu tại địa phương.
Tọa lạc tại vùng ven đô TP Cà Mau, nhà vườn của ông Ðỗ Văn Hạnh có khuôn viên rộng, với hơn 200 cây cảnh, chủ yếu là cây tàng lớn, bonsai và hoa kiểng. Tiếp cận thú chơi sinh vật cảnh từ khá lâu, nhưng năm 2002, ông Hạnh mới chính thức tạo vườn. Ðể sở hữu lượng lớn cây như hiện tại là cả quá trình, từ việc săn tìm đến chăm sóc.
“Dù bận rộn công việc khác, nhưng tôi không quên tự tay chăm sóc những “đứa con tinh thần”. Nhìn chúng sinh trưởng với những dáng, thế độc lạ, tôi thấy vui và quên hết mệt nhọc”, ông Hạnh bộc bạch.
Ông Đỗ Văn Hạnh chia sẻ, để tạo ra một Nhà vườn Sinh vật cảnh tiêu biểu cấp Quốc gia là cả quá trình, cần có sự đam mê.
Ông Nguyễn Hữu Lộc (Phường 5, TP Cà Mau) cũng sở hữu Nhà vườn Sinh vật cảnh tiêu biểu cấp Quốc gia. Khu vườn với hơn 100 cây cảnh được ông bố trí ngăn nắp, tạo mảng xanh và không khí trong lành.
Ông Lộc chia sẻ: "Trồng cây cảnh tốn kinh phí đầu vào và phân thuốc, về sau chủ yếu là lấy công làm lời. Quan trọng là cần có kiến thức nền, phải kiên trì, bởi có cây phải mất nhiều năm mới hoàn thiện ý tưởng. Cây càng già càng giá trị. Kinh doanh cây hoàn toàn không sợ ế như những mặt hàng khác trên thị trường".
Một góc nhỏ trong khuôn viên Nhà vườn Sinh vật cảnh tiêu biểu cấp Quốc gia của ông Nguyễn Hữu Lộc.
Từ sự tạo tác của người chơi dựa trên nền tảng sẵn có của cây trong tự nhiên, giới chơi bonsai định hình và phân chia theo từng những dáng, thế khác nhau: long đàn phượng vũ, trực quân tử, xuy phong, thác đổ… Loại cây mà người chơi cây nói chung và chủ nhân những nhà vườn được vinh danh đủ tiêu chuẩn quốc gia nói riêng đều muốn sở hữu là cây tàng.
Nghệ nhân Quốc gia Phạm Chí Công (thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi) cho biết, cây tàng kén người chơi, bởi công chăm sóc nặng. Một cây to, lâu năm, khi đem về lên chậu thì dinh dưỡng rất quan trọng, cần chăm sóc đặc biệt để cây không bị mất sức. Một cây tàng dáng độc lên chậu có giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Nghệ nhân Quốc gia Phạm Chí Công (thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi) hỗ trợ nhiều nhà vườn chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh.
Tại Cà Mau, sinh vật cảnh có bước phát triển đáng kể. Chuỗi giá trị do sinh vật cảnh đem lại ngày càng được thể hiện rõ nét, định hình và vượt qua ranh giới của một thú chơi tiêu khiển đơn thuần. “Làm kinh tế từ sinh vật cảnh” cũng như sự xuất hiện của những nhà vườn tiêu biểu là minh chứng rõ nét cho những diễn tiến của thú chơi sinh vật cảnh ngày nay./.
Văn Ðum