Màu của tết

Màu của tết
2 giờ trướcBài gốc
BPO - Những loài hoa và cây cảnh đặc trưng cho tết cổ truyền không chỉ giúp trang trí nhà cửa thêm đẹp hơn mà còn có ý nghĩa đem may mắn, bình an, tài lộc tới mỗi gia đình.
Mai vàng - giàu sang, phú quý
Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, những ngày giáp tết Nguyên đán, khung cảnh dễ nhận thấy là hoa mai vàng bừng nở, khoe sắc thắm trong nắng xuân rực rỡ, báo hiệu một mùa xuân, năm mới sắp tới với những niềm vui và ước vọng mới.
Những cánh hoa mai mang sắc vàng tươi của nắng từ lâu đã là biểu tượng, nét đặc trưng của mùa xuân phương Nam. Cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão. Bởi vậy, cây mai còn tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt Nam nói chung. Hoa mai có màu vàng rực rỡ, là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Với người miền Nam, tết đến là khi chậu mai vàng khoe sắc bên hiên nhà hay cội mai già rực rỡ trước sân. Là khi những nhánh mai vàng tươi thắm, chưng trong lục bình trên bàn thờ gia tiên, tạo nên không khí thiêng liêng và ấm áp. Những đóa mai vàng nở rộ trong tiết xuân còn là biểu tượng cho niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương và tinh thần đoàn kết, gắn bó.
Hoa lan - sang trọng, tinh tế
Đối với người Hy Lạp cổ đại, hoa lan (hoa phong lan) vinh danh những anh hùng và sau khi sự gia tăng phổ biến của những bộ sưu tập phong lan ở Anh thời Victoria, ý nghĩa của nó chuyển dần, trở thành biểu tượng của sự sang trọng, quý phái, tinh tế và quân tử.
Hoa lan có nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau. Mỗi loài lan đều mang một vẻ đẹp riêng biệt, có ý nghĩa riêng. Chưng hoa lan vào ngày tết sẽ mang lại may mắn, vượng khí cho gia đình trong năm mới.
Đào thắm - an khang, thịnh vượng
Xuân về, thổi bùng lên trên những “miền đất lạnh” phía Bắc một mùa hoa đào rực rỡ. Tương truyền, hoa đào miền Bắc có tác dụng dùng để trừ tà, đuổi quỷ, mang lại hạnh phúc, an lành. Vì vậy, mỗi năm khi tết đến, xuân về, người người, nhà nhà đều chọn cho mình những cành hoa đào, cây đào thật đẹp.
Bên cạnh đó, người xưa còn quan niệm hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang đến nguồn sinh khí mới. Có cành đào trong nhà ngày tết thể hiện niềm tin của gia chủ vào một năm mới an khang, thịnh vượng, tình cảm gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
Cây quất - may mắn, no đủ
Cây quất là loài cây rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Theo quan niệm, cây quất đại diện cho sự sung túc, may mắn và no đủ của gia đình trong năm mới.
Theo âm Hán Việt, “quất” được phát âm gần giống với từ “cát” trong cát tường như ý, được hiểu là gặp nhiều may mắn và an lành. Cây quất có lá xanh tốt, trĩu quả chín vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Vì vậy, mỗi khi tết đến, xuân về, nhiều gia đình chọn mua và bài trí cây quất trong nhà với hy vọng mang lại niềm vui và may mắn trong cả năm.
Hoa cúc - phúc lộc đầy nhà
Hoa cúc là một trong những loài hoa nở rộ vào dịp tết Nguyên đán. Sắc hương tuy giản dị nhưng làm say lòng người. Bởi vậy vào dịp tết, hầu như gia đình nào cũng có chậu hoa cúc hoặc vài cành cúc trang trí trong nhà.
Theo phong thủy, hoa cúc mang biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc cũng như sự hoan hỉ đến nhà. Đặt những chậu hoa cúc nhỏ hay cắm hoa cúc có thể giúp ổn định phúc khí trong nhà. Hoa cúc nên đặt nơi có nhiều ánh sáng để sự may mắn thêm mạnh mẽ và rực rỡ. Ngoài ra, hoa cúc còn biểu trưng cho sự trường tồn, lòng hiếu thảo, cao thượng... Nó là một trong 4 loại cây tượng trưng cho sự quân tử. Hoa cúc có nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau như: Cúc trắng, cúc vàng, cúc đỏ, cúc tím… Màu sắc rực rỡ của cúc khiến không khí xuân thêm ấm áp và tươi vui hơn.
Cây sung - sung túc, tròn đầy
Cây sung là biểu tượng cho sự sung mãn, tròn đầy nên được nhiều người Việt ưa chuộng trồng làm cảnh. Cây sung còn được xếp đứng đầu trong bộ tam đa, là biểu tượng của phúc (cây sung) cùng với lộc (cây lộc vừng), thọ (vạn tuế). Quả sung cũng được nhiều người lựa chọn để bày trên mâm ngũ quả cúng tổ tiên ngày tết.
Những quả sung mọc thành chùm, đan xen khít lấy nhau tạo nên sự cộng hưởng lớn. Thế nên, bày sung vào mâm ngũ quả sẽ là nhân tố gắn kết tài lộc, thịnh vượng cho gia đình.
Cây trạng nguyên - bình an, tài lộc
Theo quan niệm phong thủy, ngoài vẻ đẹp và công dụng y học thì trạng nguyên là cây cảnh đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Đây còn được xem là loài cây giúp việc học tập thành tài, đúng như tên gọi - trạng nguyên.
Cây trạng nguyên được trồng nhiều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ yếu dạng bonsai, làm cảnh, tiểu cảnh. Cây trạng nguyên có đặc điểm nổi bật là lá phía trên màu đỏ, sau đó chuyển dần sang xanh. Nhiều người lầm tưởng đó là hoa của cây này nhưng thực ra đó là lá của cây lúc non và sẽ chuyển dần sang màu xanh khi lá trưởng thành. Trạng nguyên còn có cây ra lá màu trắng và hồng nhạt, tuy nhiên loại màu đỏ được ưa chuộng hơn cả. Vào ngày tết, cây trạng nguyên thường được nhiều người chọn mua để làm đẹp thêm ngôi nhà.
Hoa đồng tiền - tiền tài, hạnh phúc
Hoa đồng tiền mang nhiều ý nghĩa trong tình yêu và cuộc sống, tượng trưng cho hạnh phúc, sự thịnh vượng, tài lộc.
Theo phong thủy, hoa đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc. Dịp tết đến, xuân về, có chậu hoa đồng tiền trong nhà sẽ giúp gia chủ làm ăn phát đạt, may mắn, thành công. Bên cạnh đó, hoa đồng tiền còn giúp hóa giải điềm xấu và mang lại vận may cho gia chủ.
Tết Nguyên đán đã cận kề, mùa xuân đang “gõ cửa” mọi nhà. Từ khắp phố phường đến làng quê được trang hoàng rực rỡ. Cùng với sắc hoa, cây cảnh đặc trưng cho tết cổ truyền, người dân quây quần gói bánh tét, bánh chưng… mang đến không khí tết ngập tràn, góp phần làm nên vẻ đẹp của một mùa xuân mới ấm áp và tươi vui.
T.S (t/h)
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168381/mau-cua-tet