Thương hồ miệt dưới mang hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán
Trăm năm nghề đi ghe
Sáng tinh mơ của những ngày tháng Chạp, rảo một vòng chợ hoa Long Xuyên, mặc cho dòng xe qua lại, thương hồ miệt dưới vẫn say sưa ngủ nướng bên chiếc võng đu đưa. Cảnh xa nhà, rày đây mai đó đã gắn chặt với cuộc sống mưu sinh của kiếp thương hồ “gạo chợ nước sông”. Gặp anh Tâm (46 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre) dậy sớm kệ nệ xách những chậu tắc từ dưới ghe lên bờ. Những cây tắc sai trái tốt tươi, như minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo trong nghề làm kiểng của họ. Đến nay, anh Tâm có gần 30 năm với nghề thương hồ bán kiểng. Chỉ tay về chiếc ghe chành, anh Tâm khoe, nó đã gắn chặt với gia đình gần 100 năm. Ghe này có từ thời cha ông để lại cho tới bây giờ. Hồi đó, cha anh Tâm cũng là thương hồ “ngao du” khắp nơi trên chiếc ghe này.
Mặc dù chiếc ghe nhuốm màu thời gian, nhưng đây là phương tiện nuôi sống gia đình qua mấy thế hệ. Chiếc ghe như minh chứng một thời cực thịnh của nghề đi ghe, giao thương tấp nập từ thuở trước. “Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, việc giao thương chủ yếu bằng ghe, xuồng. Cả xóm có vài chục chiếc ghe lớn dùng để chở đồ, hàng hóa nông sản buôn bán khắp nơi” - anh Tâm nhớ lại. Chiếc ghe chành mang nét văn hóa đặc trưng sông nước của các tỉnh miệt dưới, như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang… Mỗi chiếc ghe chở hàng hóa với tải trọng vài chục tấn trên sông. Thời gian trước, nhà nào sở hữu chiếc ghe này được xem là người giàu có trong vùng. Mỗi chiếc ghe có giá trị cả chục cây vàng.
Nghề đi ghe thịnh hành kéo theo nghề đóng ghe ăn nên làm ra. Nghề thợ mộc cũng duy trì ngót hàng thế kỷ. Tuy nhiên, về sau đường sá thông thương, xe cộ lưu thông thuận tiện, nhiều người sử dụng xe tải chở hàng nhanh chóng, nghề đi ghe của thương hồ miệt dưới giảm dần. Anh Tâm cho biết, giờ chỉ còn vài chục ghe chành loại 70 - 100 tấn. Mỗi khi Tết đến, những chiếc ghe gỗ chở hoa, cây kiểng lên tận TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… để bán trong dịp Tết. Mùa Tết, thương buôn đến nhà vườn tìm mua hoa, cây kiểng các loại rồi chất xuống ghe mang đi bán khắp nơi. Mỗi chuyến đi cả tháng trời đến các địa phương, như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau rồi ngược lên Đồng Tháp, qua An Giang bán cho người dân.
Thương hồ mang sản phẩm của địa phương mình lên chợ hoa ngồi đợi khách. Màn đêm buông, phố xá lên đèn rực rỡ, dòng người tấp nập đến rồi đi, lòng thương hồ nôn nao mong ngóng khách mua hết hoa kiểng để sớm về quê ăn Tết bên gia đình. Những năm gần đây, thương hồ tận dụng khu vườn bỏ trống để canh tác cây tắc. Khi đến mùa Tết, họ bứng vào chậu, tỉa tóp, tạo hình dáng bắt mắt, mang ra chợ Xuân bán. Với cách làm này, họ tiết kiệm được chi phí mua cây kiểng, tạo ra sản phẩm độc đáo, hạ giá thành sản phẩm. “Lấy công làm lời. Những năm gần đây, gia đình tôi trồng hàng trăm bụi tắc, bán tại chợ hoa Long Xuyên, kiếm lời hơn 20 triệu đồng” - anh Tâm trần tình.
Thương hồ chở hoa kiểng bằng ghe chành mũi đỏ từ miệt dưới lên phục vụ chợ hoa Xuân
Về nhà khi Xuân vừa đến
Trong chuyến đi xa, anh em trong nghề thương buôn luôn hỗ trợ nhau lúc khó khăn, chia sẻ chuyện vui buồn nghề bán hoa kiểng. Hầu hết, những thương hồ đi ghe mang Xuân lên chợ chủ yếu là “đấng mày râu”. Bởi, cái nghề này nặng nhọc, phải theo ghe ròng rã hàng tháng trời. Mọi sinh hoạt trên ghe lắm bất tiện, vì vậy hiếm thấy có nữ đi theo. Anh Tâm nói rằng, việc buôn bán xa quê do đàn ông cáng đáng, còn phụ nữ ở nhà lo nội trợ, con cái học hành. Mọi hoạt động trên ghe phải là nam thì mới hiệu quả. “Gia đình tôi có 3 người con trai. Đứa lớn 18 tuổi đang theo ghe để quán xuyến việc khiêng kiểng và đứng bán cho khách. Ngoài ra, tôi còn thuê thêm 6 thanh niên theo ghe để khiêng, chất hoa, cây kiểng và bán tại chợ hoa Xuân” - anh Tâm bày tỏ.
Đang khiêng những chậu mai dưới ghe lên bờ, anh Nguyễn Văn Lên (quê ở tỉnh Bến Tre) niềm nở cho hay, ghe của anh chở được 50 tấn. Mùa Tết đến, anh tất bật chở kiểng, cây tắc, hoa mai lên chợ hoa Long Xuyên bán. Hàng năm, bước sang tháng Chạp, anh liên hệ với Ban Quản lý chợ Long Xuyên để thuê mặt bằng tại bờ kè phường Mỹ Xuyên bán hoa, kiểng. Mỗi khi ngang qua bờ kè, nhìn thấy những chiếc ghe chành miệt dưới mang hoa kiểng đến thì ai cũng rạo rực đón Tết. Dòng xe cứ chạy qua lại rộn ràng tham quan chợ hoa Xuân. Khách cứ chạy tới lui để chọn cho mình chậu hoa, kiểng, mai ưng ý rồi mua đem về nhà chưng những ngày Xuân.
Chập choạng, dòng người qua lại chợ hoa Xuân thưa dần cũng là lúc thương hồ chuẩn bị mắc chiếc võng dù bên bờ kè ngủ tạm để giữ những chậu hoa, kiểng. Họ tranh thủ ngã lưng rồi chìm vào giấc ngủ. Bởi, đối với họ việc buôn bán cứ diễn ra liên tục trong ngày, không một phút nghỉ ngơi. Nhiều người trải tấm bạt, quấn chiếc mền ngủ thiếp trong đêm. “Khuya, muỗi chích đầy tay mà không hay biết. Ban ngày, tất cả nấu ăn, giặt giũ đều nhờ vào chiếc ghe chành. Đời thương hồ tuy cực mà vui. Mặc dù xa nhà, nhưng chúng tôi làm quen được nhiều bạn trong nghề khắp nơi” - anh Lên tâm sự.
Mỗi năm, bắt đầu từ tháng 3 (âm lịch), anh Lên dọn dẹp vườn tược chăm sóc tắc, mai. Đến tháng 11 (âm lịch), anh cùng bà con lối xóm bứng gốc cho vào chậu, rồi chăm sóc cho cây bén rể, ra hoa, kết trái. Sau đó, bước sang tháng Chạp, anh chuẩn bị sửa soạn ghe, sau đó chở hoa, mai lên chợ bán. “Nghề này, đã gắn bó với gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Dường như năm nào tôi cũng chạy ghe lên TP. Long Xuyên bán hoa, kiểng. Đời thương hồ là vậy, rày đây mai đó, lấy bến sông làm nơi mưu sinh. Mặc dù vất vả, nhưng có tiền tiêu xài thoải mái trong những ngày Tết. Trong tháng Chạp đến 29 Tết, tôi bán trên 200 gốc tắc, mai, kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng” - anh Lên khoe.
Thời điểm gần Tết, anh Phước (hàng xóm với anh Lên) dong chiếc ghe chành (với sức chở đến 75 tấn) chở mai, kiểng phân phối các chợ hoa Xuân ở ĐBSCL. Chiếc ghe của anh được thiết kế 2 tầng. Tầng trên dùng chở mai, tầng dưới chở hàng trăm chậu tắc. Anh cho biết, vốn liếng đổ dồn vào kinh doanh hoa, kiểng trong những ngày Tết. Thông thường, vào khoảng 20/12 (âm lịch) là anh bắt đầu rời quê chở hàng rong ruổi khắp các chợ bỏ mối. Sau đó, anh tiếp tục chạy lên TP. Long Xuyên thuê chỗ bán kiểng, tắc. Những ngày đầu, bán mỗi chậu tắc bình quân 250.000 đồng, nhưng đến thời điểm cận Tết, nếu hàng còn nhiều đành phải giảm giá bán huề vốn. “Từ 28 đến 29 Tết, nếu còn hàng chúng tôi đều thống nhất bán vốn cho hết hàng để nhanh chóng chạy ghe về quê đón giao thừa cùng gia đình” - anh Phước nói.
Chiều muộn ngày cận Tết, thương hồ miệt dưới nôn nao đón Tết trước dòng xe hối hả chở hoa Xuân xuôi ngược. Họ nhanh chân nổ máy rời bến về quê ăn Tết sau chuỗi ngày dãi nắng dầm sương bán hoa, kiểng bên hè phố.
THÀNH CHINH