Tết khác lạ ở Nepal qua lời kể của cô gái Việt

Tết khác lạ ở Nepal qua lời kể của cô gái Việt
4 giờ trướcBài gốc
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, ở thành phố Pokhara (Nepal), chị Nguyễn Yến (sinh năm 1989) nhận được cuộc gọi của mẹ từ Việt Nam hỏi han đủ thứ: “Năm nay con có gói bánh chưng không?”, “Tết bên đó có lạnh lắm không?”...
Những câu hỏi bình thường nhưng lại khiến chị Yến nhớ nhà da diết cùng không khí rộn ràng ngày Tết. Lần gần nhất chị về Việt Nam ăn Tết cách đây đã 5 năm.
“Những cái Tết xa nhà luôn mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn”, chị chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Đêm giao thừa, cả nhà gọi video cho chị Yến để nghe tiếng nói cười rộn ràng, hòa chung không khí náo nức. Khoảnh khắc đó khiến chị cảm nhận sự ấm áp của tình thân dù đang ở xa.
Tết ở Nepal
Ở Nepal, người dân không ăn Tết âm lịch trùng với Việt Nam, theo chị Yến. Lịch chính của Nepal là Bikram Sambat - một loại lịch riêng theo truyền thống Hindu. Năm mới của họ thường rơi vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch.
“Theo lịch này, giờ đang là năm 2081”, chị cho hay.
Tuy nhiên, Nepal là nền văn hóa đa sắc tộc. Một số dân tộc như người Tamang, Gurung hay Sherpa vẫn ăn mừng năm mới theo lịch âm giống Việt Nam (gọi là Tết Lhosar).
Lhosar là lễ hội năm mới quan trọng nhất của các dân tộc có nguồn gốc Tây Tạng. Trong đó, có 3 loại Lhosar chính: Tamu Lhosar (của người Gurung) được ăn mừng vào ngày 15 của tháng thứ 9 theo lịch Nepal (gọi là tháng Poush), thường vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 dương lịch.
Sonam Lhosar (của người Tamang) được ăn mừng vào ngày đầu tiên của tháng thứ 10 theo lịch Nepal (tháng Magh), rơi vào cuối tháng 1 dương lịch.
Gyalpo Lhosar (của người Sherpa) được ăn mừng vào tháng thứ 11 theo lịch Nepal (tháng Falgun), vào khoảng tháng 2 dương lịch.
Chị Yến chơi Tết Lhosar ở bảo tháp Boudhanath ở Kathmandu và thăm tu viện vào dịp lễ này.
Theo chị Yến, không khí ăn Tết ở Nepal cũng có nét tương đồng với Việt Nam: mọi người quây quần bên gia đình, mặc trang phục truyền thống đi lễ ở các tu viện để nhận phước lành, nhảy múa, chụp hình, ăn những món đặc trưng như Sel Roti (loại bánh chiên hình vòng tròn làm từ bột gạo), thukpa (mì nóng) và uống chhaang (rượu lên men từ lúa mạch).
Dù năm mới theo lịch Bikram Sambat rơi vào khoảng tháng 4 dương lịch, lễ hội quan trọng nhất trong năm của Nepal lại là Dashain (thường diễn ra vào tháng 10 hoặc 11 dương lịch). Đây là dịp người Nepal sum vầy bên gia đình, nhận phước lành từ người lớn tuổi và tận hưởng không khí lễ hội kéo dài hơn 10 ngày.
“So với Tết Nguyên đán của Việt Nam, Dashain có nhiều điểm tương đồng như tinh thần đoàn tụ gia đình, mọi người mặc quần áo mới và đi chúc tụng nhau. Đây là dịp mà con cháu dù đi làm ăn xa đến mấy cũng cố gắng về thăm gia đình”, chị Yến kể.
Tuy nhiên, ý nghĩa tôn giáo của Dashain lại khác với Tết Nguyên đán. Lễ hội này tôn vinh nữ thần Durga - biểu tượng của sức mạnh và chiến thắng cái ác. Trong những ngày quan trọng nhất của Dashain, mọi người sẽ nhận “tika” (bột đỏ trộn sữa chấm lên trán) và “jamara” (mầm lúa vàng) từ người lớn tuổi cùng lời chúc tốt lành.
Chị Yến nhận “tika” phước lành trong lễ hội Dashain của Nepal.
Ngoài ra, một trong những nét đặc trưng quan trọng của Dashain là lễ hiến tế động vật (phổ biến nhất là dê) để dâng lên các vị thần. Điều này phản ánh niềm tin về sự hy sinh và bảo vệ chính nghĩa.
Khi đến chúc tụng nhau vào dịp này, người khách sẽ được chủ nhà thết đãi cơm Dal Bhat truyền thống với cà ri dê, bánh Sel Roti và nhiều món ăn truyền thống khác.
Bên cạnh đó, trẻ em và người lớn đều háo hức thả diều - hoạt động mang ý nghĩa vui chơi và chào đón mùa gió mới.
“Sự kết hợp giữa truyền thống, tôn giáo và tinh thần gia đình khiến Dashain trở thành dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất đối với người Nepal”, cô gái Việt chia sẻ.
Trong thời gian sống ở thành phố Kathmandu, chị Yến có cơ hội đón Dashain cùng gia đình bản địa. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị là được mời đến nhà bạn thân người Nepal để tham gia nghi lễ, thưởng thức các món ăn truyền thống và nhận “tika” phước lành lên trán. Chị cảm thấy ấm áp khi được chào đón như một thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, Dashain thường rơi vào khoảng tháng 10-11, cũng là mùa trekking cao điểm. Bởi vậy, phần lớn thời gian chị Yến đón lễ này trên những cung đường leo núi.
Trên vùng núi, không khí Dashain có phần trầm lắng hơn vì cộng đồng nơi đây chủ yếu theo đạo Phật thay vì Hindu. Họ không tổ chức lễ hội này một cách rầm rộ như ở miền xuôi.
Đôi khi, Tết ở Nepal với chị Yến đơn giản là ăn bỏng ngô và tắm nắng cùng dân làng trên đường trekking.
5 năm ăn Tết xa nhà
Chị Yến thường về Việt Nam vào dịp hè vì muốn tránh mùa mưa ở Nepal và thời gian này có thể ở bên gia đình lâu hơn.
Những cái Tết Nguyên đán xa quê, chị vẫn giữ thói quen gọi video về nhà để cảm nhận không khí giao thừa. Cảm giác nghe tiếng pháo hoa vang lên qua màn hình điện thoại, chúc Tết gia đình từ xa vừa ấm áp, vừa có chút bồi hồi với chị.
“Ba mẹ tôi có 7 người con, ai cũng đi học, đi làm xa nên Tết là dịp hiếm hoi cả nhà sum vầy. Tôi nhớ không khí rộn ràng khi mọi người cùng về nhà, rủ nhau ra đường hoa chụp hình, rồi lại về quê nội, quê ngoại đi chơi Tết. Khoảnh khắc cả nhà quây quần bên mâm cơm, cười nói rôm rả luôn là điều khiến tôi trân trọng nhất mỗi dịp năm mới”, chị chia sẻ.
Gia đình mong chị Yến về Việt Nam đón Tết, nhưng ba mẹ hiểu công việc và lựa chọn của con gái nên luôn ủng hộ. Chị học cách đón Tết theo cách riêng, tận hưởng niềm vui dù ở trên dãy Himalaya hay giữa lòng Kathmandu.
“Đối với tôi, Tết không chỉ gói gọn trong việc về quê, mà còn là cảm giác sum vầy. Ở Nepal, tôi vẫn tìm thấy sự ấm áp đó, giữa những con người và vùng đất mà mình từ lâu đã xem là quê hương thứ hai”, chị bày tỏ.
Tháng 1-2 cũng là mùa đông ở Nepal. Hai năm gần đây, chị Yến bắt đầu thử sức với đam mê ice climbing (leo băng). Đây là thời điểm lý tưởng nhất vì các thác nước đóng băng, tạo điều kiện hoàn hảo cho việc luyện tập và trải nghiệm bộ môn này.
Chị Yến trải nghiệm bộ môn leo băng vào dịp Tết 2024.
Hiện tại, chị Yến sống ở thành phố Pokhara cùng 3 chú cún cưng Fluffy, Charlie và Kai. Chị mô tả cuộc sống ở đây rất yên bình, gần gũi với thiên nhiên và có tầm nhìn tuyệt đẹp ra dãy Himalaya. Vài năm trở lại đây, chị chia thời gian sinh sống giữa hai nơi là Nepal và Ladakh (Ấn Độ).
Chị Yến hy vọng sớm có thể đưa bố mẹ đến Nepal và thực hiện chuyến tham quan bằng trực thăng như dự định từ lâu. Năm ngoái, chị đã “rủ rê” thành công hai em trai sang thăm dãy Himalaya hùng vĩ.
Mỗi dịp Tết, chị Yến luôn dành thời gian nhìn lại và tự hỏi: “Mình có hạnh phúc hơn không?”, “Có khỏe mạnh hơn không?”. Chị luôn nhắc nhở bản thân phải biết ơn sự sống, những điều nhỏ bé nhất và mẹ thiên nhiên đã cho mình cơ hội được trải nghiệm thế giới.
“Và điều tuyệt vời nhất là, mỗi lần tự vấn, câu trả lời của tôi luôn là ‘có’”, chị nói.
Chị Yến tin rằng dù ở đâu, Tết vẫn luôn là dịp để mỗi người chiêm nghiệm: “Mình đã đi xa đến đâu?”, “Điều gì làm mình biết ơn?”, “Năm mới này, mình sẽ tiếp tục hành trình như thế nào?”. Với chị, câu trả lời luôn là: “Tiếp tục khám phá, học hỏi và chia sẻ vẻ đẹp của Himalaya để truyền cảm hứng đến mọi người”.
“Chúc mọi người một năm mới tràn đầy cảm hứng, dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi những điều mình yêu thích, bởi thế giới này rộng lớn và tuyệt vời lắm!i”, chị nhắn nhủ.
Chị Yến đang sống cùng 3 chú cún cưng ở thành phố Pokhara. Bên cạnh công việc, chị dành nhiều thời gian đi trekking.
Thiên Băng
Ảnh: NVCC
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/tet-khac-la-o-nepal-qua-loi-ke-cua-co-gai-viet-post1528667.html