Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) sắp thu phí ùn tắc giao thông

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) sắp thu phí ùn tắc giao thông
một giờ trướcBài gốc
Sáng kiến thu phí ùn tắc giao thông tại Ấn Độ này sẽ sử dụng công nghệ thu phí không dừng (Fastag) và công nghệ nhận diện biển số xe tự động (ANPR) để thu tiền của các phương tiện vào thành phố từ các bang lân cận trong giờ cao điểm. Việc thu phí tự động này được đề xuất áp dụng trong các khung giờ cao điểm từ 8h00 sáng đến 10h00 sáng và từ 17h30 chiều đến 21h30 tối hàng ngày, tập trung vào 13 điểm giao thông cửa ngõ ra vào thành phố vốn có lưu lượng giao thông lớn.
Ùn tắc kéo dài tại khu vực đầu tuyến cao tốc Delhi - Meerut, cửa ngõ phía Đông Bắc thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: ANI.
Bằng cách điều tiết, giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân trong những khung giờ này bằng công cụ tài chính, chính quyền New Delhi đặt mục tiêu giảm tắc nghẽn và thúc đẩy các phương tiện giao thông sạch hơn.
Tuy nhiên, chính sách thu phí ùn tắc giao thông sẽ có các điều khoản miễn trừ. Ví dụ, xe hai bánh và xe điện sẽ không phải chịu phí nhằm thúc đẩy các phương tiện giao thông xanh hơn. Các phương tiện cơ giới đáp ứng tiêu chuẩn khí thải BS6 của Ấn Độ cũng có thể nhận được ưu đãi, khuyến khích để thúc đẩy việc di chuyển thân thiện với môi trường.
Kế hoạch của thủ đô Ấn Độ học hỏi kinh nghiệm của các thành phố khác trên thế giới như London và Singapore, những nơi đã triển khai thành công mô hình này. Tại các thành phố này, phí ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể lưu lượng giao thông và cải thiện chất lượng không khí. Các quan chức New Delhi kỳ vọng, biện pháp này sẽ không chỉ cắt giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông mà còn thúc đẩy nhiều người chuyển sang phương tiện công cộng hoặc sử dụng xe điện.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền New Delhi đưa ra ý tưởng áp dụng phí ùn tắc giao thông. Một kế hoạch tương tự đã được đề xuất vào năm 2018, nhắm vào 21 khu vực cửa ngõ có lưu lượng giao thông cao trên khắp thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch khi đó đã bị hủy bỏ do những thách thức về mặt hậu cần. Xa hơn nữa, vào năm 2009, Thủ hiến Delhi khi đó là (Sheila Dikshit, đã đưa ra ý tưởng thu phí xe cá nhân để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng kế hoạch này sau đó không bao giờ được thực hiện.
Phản ứng của công chúng Ấn Độ đối với loại thuế ùn tắc mới này rất trái chiều. Với một số nhóm cư dân chủ yếu bao gồm tầng lớp trung lưu, bày tỏ mối quan ngại của họ về chính sách mới này. Một số người cho rằng họ phải chịu gánh nặng tài chính để giải quyết các vấn đề ô nhiễm và giao thông của New Delhi. Việc đặt gánh nặng này lên vai tầng lớp trung lưu được coi là sự bất công. Những người khác đặt câu hỏi liệu loại thuế ùn tắc mới này có thành công hay không, xét đến những thất bại của các nỗ lực trước đó.
Phan Tùng/VOV-New Delhi
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/thu-do-new-delhi-an-do-sap-thu-phi-un-tac-giao-thong-post1130668.vov