Theo tờ trình của Chính phủ, hiện nay có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, có 28 quốc gia tuy pháp luật còn quy định nhưng trên thực tế không còn áp dụng, 8 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình trên thực tế nhưng sẽ áp dụng trong vài trường hợp bất khả kháng (như tội phạm chiến tranh). Còn 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình, trong đó có Việt Nam (VN).
Cụ thể, VN vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình đối với 18 tội danh. Và Quốc hội khóa này đang thảo luận về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN VN (Điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); gián điệp (Điều 110); vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354).
Đề xuất trên cho thấy sự nhân đạo của hệ thống tư pháp, theo xu thế chung của thế giới. Dù vậy, việc bỏ hay không bỏ cần xem xét toàn diện các yếu tố, trong đó có mức độ nguy hiểm các hành vi phạm tội, hậu quả. Cá nhân tôi cho rằng với 8 tội danh mà dự thảo đề xuất bỏ hình phạt tử hình thì chưa nên bỏ đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Giữa năm 2024, Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây vận chuyển hơn 170 kg ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Ảnh: CA
Tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả
Khoản 1 Điều 40 BLHS 2015 quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.
Theo Điều 39 BLHS 2015, chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Tuy nhiên, không áp dụng hình phạt chung thân với người dưới 18 tuổi.
Trong khi đó, Điều 39a tại dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án và định nghĩa đây là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Ở nhóm tội xâm phạm về an ninh quốc gia và phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh (Điều 109, 110, 114, 421), đây là nhóm tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố chính trị, an ninh quốc gia.
Thế nhưng, trong thời kỳ hòa bình hiện tại, phần lớn tội danh này ít xuất hiện. Đồng thời, thực tiễn xét xử tại tòa án cho thấy gần như không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội này do hành vi không gây mức độ nguy hiểm quá lớn, ảnh hưởng không quá nghiêm trọng.
Ngoài ra, với tư tưởng tiến bộ hiện nay, các hoạt động chống phá Nhà nước dường như đã không còn tác dụng quá nhiều đối với người dân. Chính vì hậu quả chỉ hình thành ở quy mô nhỏ và khó tạo thành hậu quả quy mô lớn nên việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này là điều cần thiết.
Đối với nhóm tội phạm về tham nhũng quy định tại Điều 353, 354 BLHS, không trực tiếp gây hậu quả chết người nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng trong xã hội.
Tuy nhiên, việc bãi bỏ hình phạt tử hình có thể góp phần tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả của vụ án, đồng thời phù hợp với xu hướng xử lý nhóm tội phạm này trên thế giới. Việc áp dụng án tù chung thân không xét giảm án đã đủ tạo tính răn đe đối với tội danh này.
Ngoài ra, yếu tố cốt lõi không phải là tử hình hay không, mà là tăng cường khả năng phát hiện, thu hồi tài sản và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong bộ máy công quyền. Một bộ máy vận hành tốt, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả sẽ tự thân hạn chế được cơ hội để tham nhũng xảy ra.
Do đó, biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua cải cách công tác quản lý con người cũng cần được ưu tiên hàng đầu. So với các biện pháp trừng phạt như tử hình hay tù chung thân, phòng ngừa có hiệu quả lâu dài và tiết kiệm nguồn lực hơn.
“Yếu tố cốt lõi không phải là tử hình hay không, mà là tăng cường khả năng phát hiện, thu hồi tài sản và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong bộ máy công quyền.”
TS Nguyễn Thị Kim Vinh
TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao
Vận chuyển ma túy: Nên phân hóa trách nhiệm chứ không bỏ tử hình
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và có thể gây tử vong đối với người sử dụng các sản phẩm thuốc giả.
Tuy nhiên, án tử hình không đồng nghĩa với việc giải quyết triệt để hành vi phạm tội. Nguyên nhân gốc rễ vẫn là quản lý lỏng lẻo và lợi nhuận cao trong lĩnh vực dược phẩm. Bên cạnh đó, nếu như hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà gây chết người thì có thể bị truy tố và xử phạt theo tội giết người.
Còn với tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), có thể nói việc vận chuyển ma túy không phải là hành vi cá nhân đơn lẻ mà thường gắn với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự bảo kê và dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt pháp luật. Một hành vi vận chuyển có thể kéo theo hàng ngàn người nghiện, hàng trăm gia đình tan vỡ, xã hội bất ổn, y tế và ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn.
Tội phạm ma túy đang ngày càng tăng, thủ đoạn tinh vi. Và dù pháp luật hiện hành đã rất nghiêm khắc nhưng số vụ án ma túy lớn vẫn không giảm, thậm chí tăng mạnh trong các năm gần đây. Việc bỏ án tử hình có thể bị tội phạm hiểu sai là nhẹ tay, dẫn đến tâm lý dám làm liều để đổi đời nhanh chóng.
Do đó, không nên bỏ tử hình với tội danh này nhưng cần phân hóa trách nhiệm. Việc phân hóa hình phạt có thể theo vai trò, khối lượng, động cơ phạm tội. Giả sử như người bị dụ dỗ, vận chuyển lần đầu, bị lừa cầm nhầm, vận chuyển nhầm ma túy có thể không tử hình nhưng với các trường hợp tái phạm, chuyên nghiệp, vận chuyển số lượng đặc biệt lớn, có tổ chức thì tử hình vẫn cần thiết để răn đe mạnh mẽ.•
Ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng chống ma túy
Hiện nay, tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại và đang có dấu hiệu gia tăng tại VN trong thời gian qua. Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là một trong những hành vi cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là những đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; loại tội phạm này thường trang bị vũ khí nóng, khi bị phát hiện đối tượng này thường chống trả quyết liệt và đã có nhiều chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ truy bắt đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mặt khác, hậu quả của hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, theo tôi phải cân nhắc thật kỹ lưỡng về việc bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy.
Luật sư NGUYỄN DUY BINH, Đoàn Luật sư TP.HCM
TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao