Thu hồi hơn 26.215 tỷ đồng các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

Thu hồi hơn 26.215 tỷ đồng các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến đã báo cáo trước Quốc hội về công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: QH.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho hay, năm 2024, Viện KSND Tối cao đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
"Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn", Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho hay.
Cũng theo ông Tiến, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%); yêu cầu khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%); yêu cầu hủy bỏ 20 quyết định khởi tố vụ án (tăng 66,7%) do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 21 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%). Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9%.
Bên cạnh đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 103.365 vụ/198.262 bị cáo. Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện vi phạm và ban hành 697 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 83,2% (vượt 13,2%); ban hành 95 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 82,5% (vượt 7,5%).
Hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Thẩm tra các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Viện kiểm sát đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của Cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: QH.
Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đạt kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, tỷ lệ giải quyết đơn đạt cao. Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: chất lượng trả lời đơn đáp ứng yêu cầu, không có đơn để quá hạn luật định. Công tác kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực; kiểm sát đơn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm túc.
Về báo cáo của Chánh án TAND Tối cao về công tác của các tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2024, mặc dù số lượng các vụ án đã thụ lý tiếp tục tăng, song các tòa án đã giải quyết đạt 98,18%, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Hình phạt mà các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% theo yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, công tác xét xử các vụ án hình sự vẫn còn một số hạn chế, như: một số trường hợp định tội danh chưa đúng, áp dụng hình phạt chưa đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Các vụ việc dân sự được các tòa án thụ lý tăng; tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,51%, vượt 9,51% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Các Tòa án đã tổ chức phiên tòa trực tuyến 20.302 vụ việc. Tuy nhiên, qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, nhiều tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.
Về báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, năm 2024, số lượng người chấp hành án phạt tù tăng mạnh so với năm 2023. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ về quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Việc tổ chức thi hành án phạt trục xuất đúng trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm an ninh, an toàn. Nhưng vẫn còn có trường hợp quyết định thi hành án, quyết định hoãn chấp hành án có vi phạm; công tác quản lý giam giữ phạm nhân còn có mặt sơ hở; còn tình trạng lập, cập nhật, quản lý hồ sơ thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa đầy đủ...
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp trong công tác thi hành án dân sự năm 2024. Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt cao hơn so với năm 2023 cả về tiền và việc. Song, vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án không chính xác, phải thu hồi, hủy bỏ và chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thu-hoi-hon-26215-ty-dong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-lon-2056331.html