Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế
Sáng 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Toàn cảnh phiên họp sáng 26/11 tại Hội trường. Ảnh: QH
Đặc biệt, công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện. Việc tăng cường công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma túy; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
“Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: Tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay.
Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra một số lĩnh vực còn bất cập trong quản lý nhà nước như: Một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, bất cập; tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
“Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai… Số vụ cháy, số thiệt hại về cháy tiếp tục gia tăng, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”- bà Lê Thị Nga cho biết.
Công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả
Năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QH
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp khẳng định, kết quả trên cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Liên quan đến báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cho biết, công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
“Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay.
Cùng với đó, công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả tích cực, đã đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, trong đó đáng chú ý tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%...
Tỷ lệ thụ lý các vụ án dân sự tăng
Liên quan đến Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cho hay, năm 2024 mặc dù số lượng các vụ án đã thụ lý tiếp tục tăng, song các tòa án đã giải quyết đạt 98,18%, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Hình phạt mà các tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm thực chất, hiệu quả; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.
Báo cáo cũng khẳng định, các vụ, việc dân sự được các tòa án thụ lý tăng; tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,51%, vượt 9,51% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Các tòa án đã chấp hành nghiêm thời hạn xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án không vượt quá 1,5% theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết một số vụ án chưa đúng. Một số vụ, việc dân sự còn vi phạm quy định về thời hạn tố tụng.
Các đại biểu tại phiên họp sáng 26/11 Ảnh: QH
Đối với báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2024, số lượng người chấp hành án phạt tù tăng mạnh so với năm 2023. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ về quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Việc tiếp nhận, thực hiện chế độ giam giữ, chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế,... cơ bản đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức thi hành án phạt trục xuất đúng trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm an ninh, an toàn.
Tuy nhiên, còn có trường hợp quyết định thi hành án, quyết định hoãn chấp hành án có vi phạm; công tác quản lý giam giữ phạm nhân còn có mặt sơ hở; còn xảy ra các trường hợp phạm nhân trốn, phạm tội mới… Công tác thi hành án tử hình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc..
Năm 2024, cả nước có 207 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 422 thừa phát lại đang hành nghề; tổng doanh thu đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với 2023.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp việc hoàn thiện thể chế về thừa phát lại còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hỗ trợ cho công tác thi hành án dân sự.
Thu Hường