Trại nuôi hươu của anh Thảo được ngăn thành các ô có kích thước khoảng 4m, mỗi ô có thể nuôi 4 con.
Ngoài cắt nhung bán, anh Thảo còn cung ứng hươu giống cho thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình hàng trăm triệu đồng/năm. Từ đó giúp gia đình có cuộc sống khá giả.
Trước khi bén duyên với nghề nuôi hươu lấy nhung, anh Thảo đã từng trãi qua nhiều nghề từ nuôi bò, làm ruộng đến làm thuê nhưng thu nhập khá bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi hươu lấy nhung có tiềm năng kinh tế, cho thu nhập ổn định, anh Thảo quyết định bán bò, cải tạo chuồng chuyển qua nuôi hươu.
Để tiết kiệm chi phí, anh Thảo cải tạo chuồng bò cũ, ngăn thành các ô có kích thước khoảng 4m thành trại nuôi hươu. Đầu năm 2023 anh Thảo qua một trang trại nuôi hươu ở tỉnh Tiền Giang tìm hiểu quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi lấy nhung. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi, anh mạnh dạn xuống tiền mua 12 con hươu con và hươu trưởng thành với giá từ 25 -35 triệu đồng/con về nuôi thử nghiệm.
“Hươu nuôi nhốt ít xảy ra dịch bệnh, không kén thức ăn, chỉ cần lấy cây chuối xay nát trộn ít cám. Ngoài chuối cây, người nuôi có thể cắt một số loại cỏ, trái cây trong vườn cho hươu ăn. Mỗi ngày chỉ cho hươu ăn 2 lần sáng và chiều. Trong giai đoạn hươu đực lên nhung thì cần kết hợp cho ăn thêm thức ăn tinh bột để nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá”, anh Thảo chia sẻ.
Một con hươu đực 2 năm tuổi đang trong thời kỳ ra nhung trong trại nuôi của anh Thảo.
Anh Thảo cũng lưu ý: Quy trình nuôi, hươu đực phải được nuôi riêng từng chuồng để tránh tấn công nhau gây thương tích, ảnh hưởng đến chất lượng nhung. Để giữ vệ sinh cho trại nuôi sạch sẽ phải dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa làm đệm lót cho các ô chuồng, cách 5 - 6 tháng thay mới 1 lần. Phân hươu sẽ được tận dụng để bón cho cây ăn trái.
Hươu đực nuôi khoảng 2 năm sẽ cho nhung, trung bình 1 năm cho thu hoạch nhung 2 lần, mỗi lần cho thu hoạch nhung trung bình từ 500 - 800 gr/con, có con cho 1kg nhung. Hiện nhung hươu khô anh Thảo bán ra thị trường với giá 25 triệu đồng/kg để chế biến thành các sản phẩm bồi bổ sức khỏe và sử dụng trong các bài thuốc đông y. Ngoài ra, tận dụng nhung tươi thu hoạch, anh Thảo còn chế biến ra các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe như: nhung hươu ngâm mật ong, nhung ngâm rượu…
Nhờ chịu khó và không ngừng học hỏi, sau gần 2 năm gây dựng, đến nay anh Thảo đã mở rộng trại nuôi lên 500m2 với 40 con. Trong số đó, có 18 con hươu cái đang trong giai đoạn sinh sản và 15 con hươu đực cho thu hoạch nhung. Trung bình mỗi năm, trang trại anh Thảo cung cấp ra thị trường khoảng 20 con giống. Hươu con 18 tháng tuổi anh Thảo bán giá bán 18 triệu đồng/con; hươu cái 2 năm từ 22 - 25 triệu đồng/con; hươu đực cho nhung 2 năm tuổi từ 30 - 35 triệu/con.
Anh Thảo giới thiệu sản phẩm nhung hươu ngâm rượu cho khách du lịch đến tham quan trại nuôi.
Ngoài trại nuôi hươu, anh Thảo còn nuôi cá hô, trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài… Nhờ đó, mỗi năm thu nhập từ trại nuôi hươu kết hợp với nuôi cá và cây ăn trái cho gia đình anh mức thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Hiện đời sống kinh tế người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người càng được chú trọng, trong khi việc lấy nhung hươu trong tự nhiên hầu như không thể thực hiện. Vì vậy, mô hình chăn nuôi hươu để lấy nhung của anh Thảo trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho người chăn nuôi, có thể nhân rộng.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang Nguyễn Thị Thúy Hậu đánh giá: Mô hình nuôi hươu lấy nhung của hộ anh Thảo là mô hình mới xuất hiện trên địa bàn huyện. Tuy là mô hình mới, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Qua theo dõi mô hình nhận thấy chi phí chăn nuôi khá thấp, hươu bản chất là động vật hoang dã ít xảy ra dịch bệnh, điều kiện khí hậu tại An Giang khá thích hợp cho hươu sinh trưởng. Đặc biệt hươu lại không kén thức ăn, vùng nông thôn lại có rất nhiều thức ăn thích hợp chăn nuôi hươu như: cỏ voi, cây chuối và các phụ phẩm nông nghiệp.
“Hiện đa số người chăn nuôi luôn trăn trở đầu ra cho sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, mô hình nuôi hươu lấy nhung lại đang có thị trường tiêu thụ khá tốt, sản phẩm nhung sau thu hoạch đều được tiêu thụ hết, nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Đây là mô hình đầy tiềm năng nhân rộng để người dân góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn”, bà Hậu cho biết.
Với ưu điểm của mô hình và giá trị kinh tế mang lại, theo bà Hậu, ngành nông nghiệp Chợ Mới sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình ra nhiều xã trên địa bàn huyện có điều kiện chăn nuôi. Đồng thời, ngành sẽ liên hệ với các viện, trường trong nước hỗ trợ anh Thảo tập huấn kỹ thuật chăn nuôi hươu để đạt tiêu chuẩn, nâng cao năng suất lấy nhung.
Để hỗ trợ cho mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Thảo phát triển, làm giàu cho quê hương Chợ Mới, thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ chủ thể phát triển các sản phẩm nhung nai thành sản phẩm OCOP, hỗ trợ hộ nuôi nghiên cứu các sản phẩm mới từ nhung hươu và đẩy mạnh quản bá các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nhung hươu tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư và các nền tảng thương mại điện tử.
Bài và ảnh: Thanh Sang (TTXVN)