Thu nhập khá từ cây sương sâm

Thu nhập khá từ cây sương sâm
9 giờ trướcBài gốc
Thu hồi vốn nhanh
Chỉ với 1.000m2 cây sương sâm lông trồng xen trong vườn sầu riêng kiến thiết cơ bản, mỗi ngày gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở ấp Bình Phú, xã An Phú, huyện Hớn Quản thu được 10kg lá. Bà Thúy cho biết, lá sương sâm bán chạy nhất vào những tháng gần tết Nguyên đán, thương lái đến tận vườn đặt mua rồi đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hiện nay, lá sương sâm được các thương lái thu mua với giá 60 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 80 ngàn đồng/kg mà không có để bán. Thấy hiệu quả, bà Thúy nhân giống, làm giàn trồng thêm cây sương sâm trong vườn.
Đặc tính của sương sâm là dây leo, để tiết kiệm diện tích, bà Thúy thiết kế giàn leo bằng dây và đưa lên cao thay vì giàn trồng bằng trụ thấp ở dưới. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích, bà có thể trồng nhiều dây sương sâm và dễ thu hoạch, tránh đổ ngã. Theo bà Thúy, nếu chăm sóc cây tốt thì chỉ sau 5-6 tháng có thể thu hoạch. Dây càng lớn năng suất càng cao.
“Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể nên sương sâm có lúc "cháy" hàng” - bà Nguyễn Thị Thúy cho biết
Gia đình ông Phan Văn Bảo cùng ở ấp Bình Phú, xã An Phú trồng 2.000m2 sương sâm. Cứ 2 ngày ông Bảo hái lá sương sâm một lần, mỗi lần được 50kg gửi về thương lái ở TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Từ khi trồng loại cây này chưa lúc nào ông Bảo bị ế hàng. Để chăm sóc vườn sương sâm, hằng ngày ngoài nhổ cỏ, bón phân, vun xới cho cây, ông ra vườn quấn ngọn định hướng giúp dây leo dễ hơn. Bởi ngọn sương sâm vươn rất nhanh, nếu không điều chỉnh kịp thời thì ngọn sẽ xoăn lại, ít lá. “Vườn nhà tôi mới trồng được 1 năm nhưng đã thu hơn 4 tấn lá sương sâm. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, phần họ mua về làm thạch giải khát, phần thì mua về sấy khô làm bột” - ông Bảo cho hay.
Ông Phan Văn Bảo ở ấp Bình Phú, xã An Phú, huyện Hớn Quản thu hoạch lá sương sâm
Cây sương sâm ít sâu bệnh nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên thăm vườn. Cây cần nhiều nước nhưng không chịu được úng nên những vùng đất thấp phải thoát nước kịp thời. Khi mới trồng, cây sương sâm cần che nắng, che mưa. Hạn chế vun xới đất sau khi trồng để tránh làm đứt rễ, cây lâu hồi phục và dễ bị nhiễm nấm bệnh. Vốn là cây leo nên việc làm giàn cho cây sương sâm khá quan trọng, giúp cây leo nhanh, ra nhiều ngọn, dễ dàng thu hoạch. Trồng sương sâm để lấy lá nên việc bón phân, ngăn ngừa sâu ăn lá là khâu quan trọng. Vì vậy, cần bón lót phân chuồng hoai mục, khi cung cấp đủ chất dinh dưỡng lá sẽ to và dày. Nếu biết cách chăm sóc, dây sương sâm có thể sống hàng chục năm.
Thực tế kỹ thuật trồng cây sương sâm không khó, nhưng nếu không biết cách chăm sóc cây dễ chết, lá thưa. Để trồng cây sương sâm thành công thì nhà vườn cần nắm vững kỹ thuật.
Tốt cho sức khỏe
Trồng cây sương sâm ít vốn đầu tư nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đây là một trong những mô hình kinh tế phù hợp với những hộ nông dân ít đất. Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Phú cho biết, hiện nay xã có 8 hộ trồng cây sương sâm, nơi đây đã thành lập được tổ hợp tác. Trồng cây sương sâm tốn ít chi phí đầu tư, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cho thu nhập khá, thị trường tiêu thụ ổn định. Mô hình này phù hợp với điều kiện của phụ nữ vì công việc nhẹ nhàng, dễ làm lại không tốn nhiều công sức. “Xu hướng của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe, mà sương sâm có công dụng tốt cho sức khỏe, mát, thanh nhiệt. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm để người dân phát triển mô hình sương sâm này” - bà Ánh chia sẻ.
Vườn sương sâm của hộ bà Nguyễn Thị Thúy (bên phải) ở ấp Bình Phú, xã An Phú, huyện Hớn Quảnđược đầu tư, bố trí rất bài bản, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái lá
Ở nước ta, cây sương sâm có 2 loại phổ biến là sương sâm trơn và sương sâm lông. Muốn chế biến món ngon, sau khi thu hái, lá và dây sương sâm tươi được rửa sạch rồi vò với nước lọc để nguội, lọc lược sạch, để 1-2 giờ sẽ đặc sệt lại thành món thạch sương sâm, hoặc phơi hay sấy khô lá rồi bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần.
Với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm giải khát tự nhiên, thị trường tiêu thụ lá sương sâm có tiềm năng mở rộng. Các cơ sở sản xuất thạch sương sâm sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những hộ nông dân có khả năng cung cấp ổn định. Điều này không chỉ giúp người trồng yên tâm về đầu ra mà còn tạo động lực để họ mở rộng quy mô sản xuất. Với kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp, cùng sự hỗ trợ từ các cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ thuận lợi, người nông dân có thể khai thác tối đa lợi ích từ cây sương sâm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Sương sâm (tiliacora triandra) là một loại thảo dược dây leo có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được sử dụng rộng rãi làm thuốc và thực phẩm từ hàng ngàn năm nay. Theo đông y, lá sương sâm có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng… Theo nghiên cứu y học hiện đại, lá sương sâm chứa vitamin A, beta carotene, phốt pho, polyphenol, flavonoid, alkaloid và các khoáng chất như canxi và sắt..., mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 2 HUỲNH TẤN VŨ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Hiền Lương
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/169531/thu-nhap-kha-tu-cay-suong-sam