'Thủ phủ' mới của du lịch tàu biển quốc tế

'Thủ phủ' mới của du lịch tàu biển quốc tế
5 giờ trướcBài gốc
Tàu du lịch quốc tế của Royal Caribbean mang theo hàng ngàn du khách đến Việt Nam
Tín hiệu tích cực
Dọc theo 3.260 km đường bờ biển của nước ta, có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm, nhiều vịnh, bãi biển đẹp, nhiều cảng nước sâu cho phép các tàu lớn neo đậu sát bờ, cũng là nơi lịch sử và thiên nhiên hòa quyện tạo nên sức hút mê hoặc. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của du lịch tàu biển quốc tế.
Nằm trên tuyến giao thương hàng hải nhộn nhịp, kết nối với nhiều nước có lượng khách tàu biển lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, du lịch tàu biển Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển ấn tượng. Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang - những “viên ngọc xanh” của Việt Nam ngày càng rộn ràng hơn với bước chân của du khách tàu biển quốc tế.
Từ đầu năm 2025 đến nay, ngành du lịch tàu biển Việt Nam liên tục ghi nhận những tín hiệu khả quan. Riêng tháng 1/2025, Việt Nam đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, lượng khách đến bằng đường biển đạt 44.900 lượt.
Du lịch tàu biển trong thời gian qua trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh tăng trưởng và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
- TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, ngay những ngày đầu năm, Công ty liên tục đón 5 chuyến tàu biển quốc tế cập các cảng trên khắp đất nước. Từ ngày 4 đến 31/1/2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Saigontourist phục vụ 19.800 du khách tàu biển quốc tế. Trong đó, tàu Celebrity Solstice của Royal Caribbean Cruise Lines mang theo 3.000 khách đến từ Mỹ, Canada, Anh, Australia… thực hiện 3 chuyến xuyên Việt, cập các cảng Hạ Long, Chân Mây và Phú Mỹ; tàu Spectrum of the Seas chở 5.000 khách đa quốc tịch cập cảng Chân Mây; tàu Anthem of The Seas đưa 5.800 khách đến Phú Mỹ và Chân Mây.
Không chỉ thu hút khách quốc tế, ngành du lịch tàu biển Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của khách nội địa. Saigontourist đang khai thác 2 chiều tàu Anthem of The Seas, mang đến cơ hội cho du khách Việt trải nghiệm “thành phố nổi” đẳng cấp với hành trình Singapore - Penang - Phuket. Dịp Tết Ất Tỵ 2025, hai hành trình trọn gói của Công ty luôn kín chỗ.
Ngày 6/2/2025, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức lễ đón tàu Norwegian Spirit (quốc tịch Bahamas) cập cảng quốc tế Cam Ranh, mang theo 2.000 du khách khám phá Khánh Hòa. Năm 2024, Khánh Hòa đón 28 chuyến tàu biển với hơn 57.893 khách lên bờ tham quan. Theo lịch trình đăng ký, đến tháng 4/2025, tỉnh đón thêm 9 chuyến (14.650 khách).
Du lịch tàu biển là phân khúc đầy tiềm năng, với sự tham gia của nhiều hãng tàu lớn như Royal Caribbean, MSC Cruises, Costa Cruises. Việc đưa Việt Nam vào hành trình của các hãng này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn khách, mà còn thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao. Những điểm đến như vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo… không chỉ hấp dẫn nhờ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.
Đẩy mạnh khai thác “mỏ vàng” du lịch tàu biển
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ngành kinh tế xanh Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách quốc tế có sức chi trả cao này, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, “mỏ vàng” du lịch tàu biển không dễ khai thác, do những “rào cản” về hạ tầng cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng. Hiện, hạ tầng cảng tàu ở nước ta vẫn chưa đồng bộ. Phần lớn các cảng biển chưa có cầu cảng chuyên dụng cho tàu du lịch cỡ lớn, khiến du khách phải dùng tàu trung chuyển vào bờ, ảnh hưởng đến trải nghiệm. Các thủ tục hải quan, kiểm dịch còn mất khá nhiều thời gian, làm giảm sức hút đối với khách quốc tế. Phần lớn du khách tàu biển chỉ tham quan trong vài giờ rồi rời đi, mà chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, làm giảm giá trị kinh tế mang lại.
Với những hành trình xa hoa trên đại dương, loại hình này còn mở ra cơ hội đón dòng khách có mức chi tiêu cao - nhóm du khách sẵn sàng bỏ hàng ngàn USD để tận hưởng những trải nghiệm đặc biệt. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đó là một trong những lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để.
Liệu Việt Nam có thể vươn lên trở thành “thủ phủ” mới của du lịch tàu biển tại châu Á? Câu trả lời nằm ở cách chúng ta khai thác “mỏ vàng” này. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược phát triển đồng bộ với hệ thống bến cảng chuyên dụng tại các thành phố ven biển trọng điểm để nâng cao năng lực đón tiếp và phát triển dịch vụ hậu cần. Đồng thời, cần đơn giản hóa quy trình xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế. Xây dựng các tour ngắn ngày kết hợp trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, giải trí cao cấp để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông trên các kênh quốc tế để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách toàn cầu.
Du lịch tàu biển Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Nếu biết cách khai thác hiệu quả, du lịch tàu biển sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu và trở thành động lực phát triển kinh tế biển bền vững.
Hạnh Phúc
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/thu-phu-moi-cua-du-lich-tau-bien-quoc-te-d244870.html